Kiến nghị phải đấu thầu các dự án BOT, khu đất vàng

Hiệp hội Bất động sản TP nhận định việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua xã hội hóa đầu tư theo các hình thức: Xây dựng -chuyển giao (BT); hợp tác công tư (PPP); xây dựng-khai thác-chuyển giao (BOT)... mang lại hiệu quả, lợi ích lớn.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào các gói thầu theo các hình thức trên, thậm chí có cả doanh nghiệp không chuyên ngành cũng tham gia.

Mới đây, TP.HCM công bố 133 dự án kêu gọi đầu tư theo các hình thức nêu trên. Phần lớn các dự án này là hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị… như khu vực Nam kênh Đôi, quận 8, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỉ đồng; dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng…

Ngoài mặt tích cực đó, nhiều công trình thực hiện như trên còn hạn chế khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10%, còn lại 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng; từ đó có tiềm ẩn rủi ro cao và có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Hiệp hội cho rằng phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo các hình thức trên đã bộc lộ những hạn chế có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng đến tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước (vì nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách).

Từ đó, Hiệp hội kiến nghị phải đấu thầu rộng rãi các dự án nói trên và hạn chế tối đa chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng, giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị; kể cả các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất (trừ trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu).  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm