Kinh hoàng sụp cống dưới kênh Nhiêu Lộc

“Đơn vị khảo sát phát hiện có nhiều vị trí ở cống băng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị sụp, vỡ. Hầu hết xảy ra ở gói thầu số 7, do nhà thầu Trung Quốc thi công”, ngày 10-3, nguồn tin từ Sở GTVT TP.HCM xác nhận như trên.

Nước, đất, rác tuồn vào lòng cống   

Trước đó, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM, đơn vị khảo sát tình trạng hư hỏng ở các tuyến cống băng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tính đến ngày 6-3, trên hệ thống cống thuộc công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn còn 11 khiếm khuyết chưa được khắc phục, có nguy cơ gây hư hỏng, sụp lún mặt đường ven kênh. Trong đó, có chín vị trí hư hỏng thuộc gói thầu số 7 do nhà thầu Trung Quốc (TMEC/CHEC.3) thi công. Các vị trí này nằm trên địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận.

Một kỹ sư tham gia khảo sát cho biết các vị trí hư hỏng chủ yếu xuất hiện nhiều ở các tuyến cống băng kênh nằm sâu 3-4 m. Do đó đơn vị khảo sát phải dùng robot gắn camera mới chui được vào bên trong lòng cống. Hình ảnh ghi nhận cho thấy trên tuyến cống Ø400 băng kênh gần chân cầu Kiệu, đường Hoàng Sa, phường 8, quận 3, có một vị trí bị sụp lớn, đất cát chắn ngang lòng cống. Kế tiếp, ở tuyến cống Ø600 băng kênh gần số nhà 566, đường Trường Sa, phường 1, quận Phú Nhuận cũng có một vị trí bị sụp vỡ nghiêm trọng. Ngoài ra, tại đoạn kênh gần cửa sông Sài Gòn, đơn vị khảo sát cũng phát hiện một vị trí bị sụp vỡ trên cống băng kênh loại Ø500, vị trí này nằm gần đường Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh.

Khảo sát khu vực gần đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Công ty Thoát nước Đô thị cũng nhận thấy trên tuyến cống băng kênh loại Ø600 cũng có một vết sụp lớn. Đặc biệt, phía bờ đường Hoàng Sa đoạn thuộc phường Đa Kao, quận 1, trên tuyến cống băng kênh loại Ø600 xuất hiện một vết rò rỉ lớn, nước từ bên ngoài có thể tuôn mạnh vào bên trong cống. Ngược về phía thượng nguồn, phía bờ đường Trường Sa, thuộc phường 2, quận Phú Nhuận, trên tuyến cống băng kênh loại 500 mm cũng có một điểm bị sụp xuống, lộ ra nhiều đất, rác.

Nước, rác chui vào một vị trí cống sụp, vỡ dưới đáy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè . Ảnh: TX

Cống sụp, vỡ là một trong các nguyên nhân gây lún sụp mặt đường Hoàng Sa. Ảnh: TX

Yêu cầu nhà thầu Trung Quốc sớm khắc phục

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ của Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP cho biết đơn vị này đã yêu cầu nhà thầu Trung Quốc sớm lập phương án khắc phục kịp thời, không để xảy ra tình trạng lún sụp dọc kênh.

Về câu hỏi gói thầu số 7 do nhà thầu Trung Quốc thi công sắp hết hạn bảo hành, việc khắc phục sẽ ra sao, vị này giải thích: “Việc khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng phải được thực hiện xong trước khi các bên liên quan bàn giao công trình hết hạn bảo hành và thanh quyết toán công trình. Trong trường hợp nhà thầu Trung Quốc chậm khắc phục các khiếm khuyết trên, ban quản lý dự án sẽ thuê đơn vị khác thực hiện và trừ tiền vào chi phí bảo hành của nhà thầu số 7”.

Liên quan đến tình trạng hư hỏng chung gây sụp lún mặt đường ở công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trong báo cáo mới đây gửi cho UBND TP, Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường cho biết đơn vị này đã thuê một công ty tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục. Theo đó, ban quản lý dự án kiến nghị UBND TP giao cho trung tâm chống ngập (đơn vị quản lý vận hành công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dựa trên kết quả khảo sát của công ty tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thực hiện công tác khắc phục bằng nguồn vốn duy tu hằng năm của trung tâm.

Đường Hoàng Sa lại sụp lún

Mới đây tại đường Hoàng Sa, phường 5, quận Tân Bình lại xuất hiện một điểm lún sụp, hư hỏng mặt đường. Theo khảo sát của các bên liên quan vào chiều 6-3, nguyên nhân là do một đoạn cống thu nước bên dưới (loại Ø600) bị hở mối nối khiến đất cát bị cuốn trôi, gây lún sụp. Vị trí hư hỏng được xác định thuộc gói thầu 7A, do liên danh nhà thầu trong nước thi công.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.