Loạn “xe hộ đê”

Thái, một tài xế xe đầu kéo ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, có hơn chục năm kinh nghiệm chở hàng từ Nam ra Bắc bỗng dưng tuyên bố giải nghệ rồi gom góp tiền sắm chiếc xe Mitsubishi bảy chỗ làm dịch vụ chở khách. Theo Thái, anh đã quá ngán ngẩm tình trạng mãi lộ của một số CSGT và dày đặc trạm thu phí trên đường. Vậy nên từ khi có chiếc xe bảy chỗ, Thái đàng hoàng gắn biển “xe hộ đê” lên kính trước để “làm chiêu”.

Cả ngàn chiếc “xe hộ đê”

Thái cho biết khách hàng của anh ở khắp nơi có lúc hợp đồng đi các tỉnh miền Tây, có khi đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhiều khi còn đi xuyên Việt cả tuần lễ mới về. Do đó, để giảm chi phí cầu, đường và qua mặt CSGT, Thái đã lùng sục khắp nơi để có được biển “xe hộ đê”, loại xe ưu tiên số một, hơn cả xe của quân đội hay công an khi lưu thông trên đường dù xe Thái đang mang biển số trắng. Đưa “lá bùa” to hơn tờ giấy học trò với kích thước 13 x 24 cm được in ba chữ “xe hộ đê” đỏ chót, Thái kiêu hãnh khoe: “Phù hiệu này thật 100%, có ghi rõ số xe, ngày cấp và thời hạn sử dụng một năm trên toàn quốc”.

Theo Thái, nhờ “lá bùa” này mà ở những lần hợp đồng chở khách đi xuyên Việt trở về, “chi phí qua 42 trạm thu phí trên toàn quốc khỏi mua vé cũng giảm được hơn 1 triệu đồng” - Thái nhẩm tính. Khi nghe chúng tôi thắc mắc: Đây là phù hiệu do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cấp cho các phương tiện đi làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc thì làm sao có được? Thái chỉ nháy mắt bí mật và buông một câu xanh rờn: “Có tiền là có tất”!

Để làm rõ thực hư, cuối tháng 8-2011, chúng tôi có mặt tại Trạm thu phí Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) trên tuyến quốc lộ 1A để khảo sát. Quả thật chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ đã có hàng chục lượt xe hơi bốn đến bảy chỗ hầu hết đều mang biển số trắng hiên ngang qua trạm khỏi mua vé và đều được bảng điện tử chạy chữ thông báo là xe ưu tiên số một.   

Loạn “xe hộ đê” ảnh 1

Chiếc xe biển số trắng này được biển điện tử của trạm thu phí báo là “xe ưu tiên 1”. Ảnh: PN

Ông Trần Trung Nguyên, Trạm trưởng Trạm thu phí Sông Phan, cho biết từ tháng 1 đến tháng 8-2011, theo thống kê đã có hơn 1.100 lượt xe mang biển “xe hộ đê” lưu thông qua trạm. Ông Nguyên bức xúc: “Trong cả ngàn lượt xe trên hầu hết đều là xe mang biển số trắng nhưng không hiểu bằng cách nào họ lại được cấp biển xe ưu tiên thật 100% nên dù có nghi ngờ chặn lại kiểm tra thì cũng phải xin lỗi rồi… mời họ đi”.

Xe chở khách cũng “hộ đê”

Trích xuất hình ảnh từ camera của Trạm thu phí Sông Phan, không ai không khỏi bất ngờ và phì cười bởi đủ kiểu “xe hộ đê” được ghi là do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão cấp.

Một trong những xe mang biển ưu tiên “xe hộ đê” để đi “phòng, chống lụt bão” qua lại thường xuyên ở trạm thu phí này là xe 53M-0766. Tuy nhiên, khi rà soát mọi người đều té ngửa vì đây là xe kinh doanh chở khách loại 16 chỗ ngồi và chủ sở hữu là một phụ nữ tên L. ở đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM. Trong số những hình ảnh này, theo Trạm thu phí Sông Phan còn có cả một xe Land Cruiser bảy chỗ mang biển số nước ngoài nhưng cũng đi “hộ đê” tại Việt Nam là xe 80NN-546.08; hoặc xe biển số xanh hẳn hoi 72C-0606 thuộc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu. Xe 72C-0606 trong các ngày 25, 26-3 đã ra tận Bình Thuận “hộ đê” trong khi thời điểm trên tại tỉnh này hạn hán, nắng như đổ lửa. Chúng tôi đã thử ghi lại biển số bảy “xe hộ đê” biển số xanh, bảy “xe hộ đê” biển số trắng từ Nam chí Bắc và một “xe hộ đê” biển số nước ngoài để tìm hiểu. Kết quả: Toàn là xe của các cơ quan chẳng ăn nhập gì đến phòng, chống bão lụt, còn xe biển số trắng đều là của các giám đốc công ty cổ phần, công ty TNHH, thậm chí là chủ tiệm vàng…

Cả tỉnh chỉ có hai chiếc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão mỗi năm đều ký cấp cho tỉnh Bình Thuận chỉ đúng hai biển “xe hộ đê”. Tỉnh đã phân cho một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách về lĩnh vực này một biển và biển còn lại cấp cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Ngoài ra, không phương tiện nào khác trong tỉnh được cấp biển hộ đê.

Tuy nhiên, theo cung cấp của Trạm thu phí Sông Phan thì biển số 86 đăng ký tại Bình Thuận có đến 16 xe từ bốn đến bảy chỗ mang biển “xe hộ đê” thường xuyên qua trạm, trong đó 13 xe mang biển số xanh 86A hoặc 86B. Ba xe còn lại đều là xe bảy chỗ mang biển số trắng. Ngoài ra, theo ông Trần Trung Nguyên, số phương tiện mang biển số xanh qua Trạm thu phí Sông Phan mang biển hộ đê thường xuyên với số lượng áp đảo là các xe mang biển 51A, 51D; 31A; 72C…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết ông được UBND tỉnh phân một biển “xe hộ đê”. Tuy nhiên, khi lưu thông đi công tác bình thường, ông luôn yêu cầu lái xe không sử dụng quyền ưu tiên này mà chỉ khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp mới sử dụng. Về việc có quá nhiều xe biển số xanh ở Bình Thuận mang biển “xe hộ đê” để lợi dụng chế độ đãi ngộ ưu tiên đặc biệt này, ông Hai cho biết: Sẽ chỉ đạo các ngành trong tỉnh làm rõ để kiến nghị lên Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão xử lý.

Theo Quyết định ngày 17-9-2008 của Bộ NN&PTNT, biển xe hộ đê được cấp cho xe của tổ chức, cá nhân được điều động để vận chuyển thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ công tác hộ đê; xe phục vụ các thành viên trong Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương; Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chỉ đạo công tác hộ đê, làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng, chống lụt bão.

Về thủ tục cấp, quyết định này cũng nêu rõ: Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được cấp gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền cấp biển. Văn bản đề nghị phải ghi rõ loại biển đề nghị cấp, thời gian, phạm vi hoạt động, biển số xe đề nghị cấp…

____________________________________________

Các biển “xe hộ đê” được cấp cho các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và các tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ. Để có biển số “xe hộ đê”, các ban ngành, địa phương có công văn gửi Bộ NN&PTNT kèm theo danh sách xin cấp. Sau đó bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương sẽ trực tiếp duyệt, thông thường danh sách này ấn định từ đầu năm.

Để thuận tiện cho công tác kiểm tra tại các trạm thu phí đường bộ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương sẽ gửi danh sách các đơn vị, địa phương được cấp “xe hộ đê” cho Tổng cục Đường bộ VN nắm rõ và nhận biết khi các phương tiện tham gia làm nhiệm vụ hộ đê. Các xe khách, xe biển số nước ngoài, xe vận tải... không có chức năng và không nằm trong danh sách đăng ký sẽ không được phép sử dụng biển hộ đê.

Nếu có hiện tượng như Pháp Luật TP.HCM nêu thì Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận điều tra làm rõ. Trong trường hợp nghi ngờ sử dụng “xe hộ đê” sai mục đích, các đơn vị, người dân có thể ghi lại biển số báo cho Cục để chỉ đạo xử lý.

Ông TRẦN QUANG HOÀI, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều
và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT)

TRÀ PHƯƠNG

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm