“Ma cao một thước, đạo cao một trượng!”

Trong khâu xét xử cũng vậy. Nếu không đủ chứng cứ buộc một bị cáo phạm tội thì tòa án phải kết luận, tuyên bị cáo không phạm tội… Sở dĩ phải như vậy, mặc dù trong thâm tâm nhận thức của từng người tiến hành tố tụng, có thể pháp luật còn có kẽ hở; bị can, bị cáo lẽ ra phải bị xử lý khác nhưng không xử lý được. Nói chung, đó là do sự trọng pháp của phía các cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử.

Trong việc hành chính tổ chức thực hiện pháp luật cũng vậy. Nhiều khi trong quá trình thi hành pháp luật, cán bộ thấy pháp luật còn có một số sơ hở khiến kẻ gian có thể len vào thủ lợi, trốn tránh nghĩa vụ nhưng vì pháp luật đã quy định như vậy thì cán bộ vẫn phải làm theo như vậy. Đó cũng là sự trọng pháp của phía cơ quan hành pháp.

Qua công việc nói trên, cán bộ phải làm theo pháp luật, không được tự ý sửa đổi, hướng dẫn khác pháp luật. Họ chỉ có thể bằng kinh nghiệm tích lũy của mình đề nghị cơ quan thẩm quyền hoàn thiện pháp luật, bổ sung sửa đổi pháp luật cho chặt chẽ hơn mà thôi. Vì việc làm luật, sửa luật là thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp - Quốc hội.

Như trong trường hợp cụ thể về thuế TNCN nói ở đây, thực tế cho thấy có nhiều mưu tính của một số người dựa vào khoảng trống của pháp luật để trốn thuế. Mà thực tế cho thấy ngoài cách “hợp đồng ủy quyền” như vậy còn có vài cách khác nữa! Nhưng để đối phó với những toan tính đó, cơ quan thuế trước mắt vẫn phải tuân theo pháp luật để đối phó với các “mánh” hợp pháp. Về lâu dài, với tinh thần trách nhiệm của mình, ngành thuế có thể đề nghị Quốc hội có phương cách hoàn thiện pháp luật để người có nhiều thủ đoạn không còn đường nào trốn thuế nữa.

Tuyệt nhiên cơ quan thuế không thể từ nhận định chủ quan của mình mà giẫm lên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật để xác định “hợp đồng ủy quyền dạng này đích thị là hợp đồng mua bán tài sản”, tất phải bị đánh thuế. Vì về mặt pháp lý, việc ủy quyền và mua bán tài sản là hai hành vi có bản chất khác nhau, công dân đóng vai chủ thể tham gia hai giao dịch này có quyền và nghĩa vụ khác nhau.

Người xưa có câu “Ma cao một thước, đạo cao một trượng”. Nghĩa là một khi có kẻ gian làm “ma” thì nhà nước phải làm… “đạo”. “Đạo” phải cao hơn “ma” thì chân lý, công lý mới có điều kiện phát huy sáng tỏ.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm