Mở rộng Quốc Lộ 1: Níu ‘quan đầu tỉnh’ đòi mặt bằng

“Không được để xảy ra tình trạng “da beo” trong giải phóng mặt bằng và lợi dụng chính sách bồi thường, tái định cư để rút tiền Nhà nước” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC) phục vụ các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên ngày 15-9.

Dân không nhận tiền bồi thường

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo: Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1 là GPMB. “Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, người dân bám quốc lộ để sinh sống rất nhiều, trong đó có không ít trường hợp đất không nguồn gốc, không giấy tờ. Đến nay một số nơi vẫn chưa giải tỏa xong vì dân không chịu nhận tiền bồi thường” - ông Lĩnh cho biết.

Tương tự, ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (một trong hai tỉnh bị Bộ GTVT phê bình vì chưa hoàn thành công tác GPMB), phát biểu: “Chúng tôi ý thức đây là dự án lớn nên đã tập trung toàn bộ nhân lực từ tỉnh xuống địa phương. Tuy nhiên, hiện một số đoạn chưa thể GPMB vì người dân không chịu nhận tiền bồi thường. Cạnh đó, cũng có những đoạn tỉnh đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu không chịu thi công”.

Nghe vậy, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, nói ngay: “UBND tỉnh Bình Định cứ làm văn bản chỉ rõ nhà thầu nào yếu, giao mặt bằng mà không chịu thi công, tôi sẽ cắt hợp đồng ngay”.

Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Sông Cầu, Phú Yên đang được mở rộng. Theo người dân, nhà thầu thi công rất chậm trễ, ảnh hưởng tới sinh hoạt của các gia đình hai bên đường. Ảnh: TẤN LỘC

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự án mở rộng quốc lộ 1 mang tầm quốc gia, đến thời điểm này nhiều tỉnh đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng là tín hiệu đáng mừng. Với những tỉnh chưa hoàn thành công tác này, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Người đứng đầu tỉnh, cụ thể là bí thư, chủ tịch UBND phải trực tiếp đối thoại với dân để biết được dân muốn gì, cần gì. Đừng để ông phó chủ tịch phụ trách chịu hết một mình, làm không nổi đâu”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bí thư, chủ tịch tỉnh phải làm mọi cách để chấm dứt tình trạng “da beo” (GPMB loang lổ - NV) ở tỉnh mình. “Đặc biệt tránh tuyệt đối tình trạng tư túi, lợi dụng chính sách để rút tiền Nhà nước. Nếu để xảy ra hiện tượng đó, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm trước tiên” - ông Phúc nhấn mạnh.

Về vấn đề thi công, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh đốc thúc, giám sát các nhà thầu thực hiện đúng tiến độ. Quá trình thi công phải đảm bảo ATGT tuyệt đối, không được để xảy ra tai nạn chết người. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cần khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công ngay khi được giao mặt bằng.“Các tỉnh ngoài việc xây dựng các khu TĐC tập trung còn phải tạo điều kiện sinh kế cho dân, không được để dân phàn nàn. Chất lượng sống tại khu TĐC phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ” - Phó Thủ tướng lưu ý thêm.

AN BÌNH

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là hai dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỉ đồng, trải dài trên 1.500 km đi qua 22 tỉnh, thành. Có khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu TĐC.

Theo Bộ GTVT, đến nay có 20/22 tỉnh đã cơ bản bàn giao 100% mặt bằng (5/5 tỉnh trên đường Hồ Chí Minh và 15/17 tỉnh trên quốc lộ 1). Khối lượng xây lắp đã đạt trên 35%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm