Bình Thuận xin đưa 20.000 ha ven biển khỏi khu dự trữ titan

Ngày 14-8, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ TN&MT, Bộ Công Thương kiến nghị về đề xuất điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan trên địa bàn Bình Thuận.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 23-7, Bộ TN&MT có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trình phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với khoáng sản titan. Trong đó, yêu cầu giữ nguyên sáu khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với diện tích 82.500 ha, thời gian dự trữ đến năm 2050.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới như: Khu du lịch Hàm Tiến-Mũi Né, Phan Thiết; Khu du lịch Cổ Thạch-Bình Thạnh, huyện Tuy Phong; khu vực Bàu Trắng, huyện Bắc Bình; đồi cát bay Trinh nữ…

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia theo kết luận của Bộ Chính trị, UBND tỉnh kiến nghị đưa ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan đối với các khu vực ven biển của tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận cho rằng khai thác titan sẽ phá hủy môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người dân. Ảnh: P.NAM

Cụ thể, Khu đô thị du lịch Cổ Thạch-Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (2.907 ha); khu vực hai bên trục đường Hòa Thắng-Hòa Phú, hồ nước Bàu Trắng, đồi cát bay Trinh nữ và khu đô thị ven biển thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình và xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong (19.060 ha). Ngoài ra còn khu vực quy hoạch phát triển du lịch ven biển Hàm Tiến-Mũi Né, TP Phan Thiết; hai bên trục đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Phan Thiết (3.521 ha)…

Đối với thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, theo UBND tỉnh Bình Thuận thì đề nghị điều chỉnh của Bộ TN&MT chỉ đến năm 2050. Như vậy thời gian dự trữ từ nay đến năm 2050 chỉ là 32 năm, không đảm bảo đủ thời gian hoạt động cho vòng đời các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra không đáp ứng được thời gian chấp thuận đầu tư của các dự án (50-70 năm) theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Để đảm bảo đủ thời gian hoạt động, vòng đời các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực dự trữ khoáng sản, Bình Thuận đề nghị thời gian dự trữ khoáng sản titan quốc gia đến năm 2070 hoặc 2090 (50-70 năm).

Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì cùng Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với các đơn vị đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò để giải quyết việc điều chỉnh, hoán đổi cụ thể từng khu vực. Sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc đưa các diện tích trên vào khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia và cho phép thực hiện các dự án phát triển kinh tế khác.

Cân nhắc cẩn trọng để tránh hậu họa lâu dài

Theo tôi, việc khai thác nguồn tài nguyên titan cần phải xem xét, cân nhắc cẩn trọng để tránh hậu họa cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay, tại các khu vực dự trữ titan, tỉnh đã quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, các dự án điện gió, điện mặt trời, dự án phát triển du lịch… Đây là những dự án có tính khả thi cao và phù hợp cả trước mắt và lâu dài. Nếu tiếp tục cho khai thác titan ở khu vực này thì không thể phát triển các dự án nói trên, chỉ làm cho kinh tế của tỉnh nhà chậm phát triển, thậm chí thụt lùi mà thôi.

Hiện nay tỉnh còn thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong vùng quy hoạch khai thác titan, vì vậy chắc chắn không bảo đảm nguồn nước để tuyển quặng. Ngoài ra, trước mắt việc khai thác và chế biến titan không hiệu quả vì chưa có công nghệ hiện đại, chưa có chế biến sâu.

 Ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm