Hà Nội chốt mốc di dời dân ở bãi rác Nam Sơn

Ngày 14-1 là ngày thứ tư người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) căng lều chặn xe chở rác vào bãi. Vụ việc này đã khiến lượng rác ùn ứ tại nội thành Hà Nội tăng nhanh, nhiều con đường bất đắc dĩ trở thành bãi chứa rác lộ thiên. Hôm qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã họp khẩn để giải quyết vụ việc. Đến 17 giờ cùng ngày, người dân đồng ý tháo dỡ lều bạt, đường vào bãi rác đã thông xe.

Rác làm nóng hội nghị giao ban TP

Việc người dân phong tỏa bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã làm nóng hội nghị giao ban quý I-2019 sáng 14-1 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND TP, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết hôm qua (14-1), đã bước sang ngày thứ tư các hộ dân chủ yếu ở thôn Đông Hội, xã Nam Sơn, một phần nhỏ người dân xã Bắc Sơn, xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Sự việc đã khiến rác thải tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội rơi vào tình trạng ùn ứ, chất đống tại các điểm tập kết rác tạm thời trên các tuyến phố, khu dân cư.

Trước tình hình trên, lãnh đạo TP Hà Nội đã về đối thoại với người dân sáng 13-1. Hiện TP đã có phương án, kế hoạch, thời gian cụ thể để giải tỏa các hộ dân trong vùng bán kính 500 m quanh bãi rác. “Lượng rác ùn ứ tại 12 quận nội thành quá lớn. Chúng ta cầm cự được ba, bốn ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Dục nói.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết những ngày qua huyện Sóc Sơn và các xã liên quan vẫn đang tích cực vận động, tuyên truyền người dân ra về. “Đến 2, 3 giờ sáng nay vẫn tiếp tục vận động. Sáng nay người dân đã gỡ lều lán, tuy nhiên còn khoảng 20 người tiếp tục chặn đường vào khu xử lý rác thải. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, tuyên truyền với người dân. Phấn đấu trong ngày hôm nay sẽ thông xe vào bãi rác” - ông Bút nói.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Xây dựng và huyện Sóc Sơn khẩn trương phối hợp giải quyết để trong ngày 14-1 có thể vận chuyển được rác vào bãi.

Rác ùn ứ tại nhiều đường phố nội thành Hà Nội do bãi rác Nam Sơn bị phong tỏa. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đến trưa 14-1, người dân quanh bãi rác Nam Sơn vẫn căng lều bạt, đội mưa  ngăn cản xe chở rác. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Dân rút lui vào cuối ngày

Trưa cùng ngày, có mặt tại bãi rác Nam Sơn, PV Pháp Luật TP.HCM chứng kiến rất nhiều người dân vẫn tiếp tục đội mưa tập trung tại ngã tư liên thôn Hạ Lộc - Liên Xuân (dẫn vào bãi rác Nam Sơn) để ngăn chặn xe chở rác. Cách chốt chặn này khoảng 2 km, tại Trạm xăng dầu số 94 (xã Nam Sơn) là dãy dài các xe chở rác đỗ chật cứng vì nhiều ngày qua bãi rác bị phong tỏa.

Đại diện chính quyền địa phương và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng có mặt tại hiện trường để tiếp tục vận động người dân khai thông đường vào bãi rác.

Theo tìm hiểu của PV, những người dân tham gia phong tỏa bãi rác đều sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn, gồm thôn Đông Hội (xã Nam Sơn) và một số hộ dân xã Bắc Sơn, xã Hồng Kỳ (đều thuộc huyện Sóc Sơn). Họ cho biết “cực chẳng đã” mới phải kéo nhau ra đây chặn xe rác. “Chúng tôi mong TP có chính sách thỏa đáng để di dời các hộ sống quanh bãi rác sớm ngày nào thì đỡ khổ cho bà con ngày đó. Lãnh đạo TP từng hứa tháng 4-2018 sẽ di dời các hộ dân tại đây nhưng đến giờ chúng tôi vẫn sống chung với ô nhiễm” - ông NVM, một người dân nói.

Trước đó, vào đêm 10 rạng sáng 11-1, người dân đã tập trung tại nhiều ngả đường dẫn vào bãi rác Nam Sơn để chặn dòng xe chở rác. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với người dân vào các ngày 11, 12 và 13-1.

Ngày 13-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng trực tiếp về đối thoại với người dân. Nội dung đối thoại chủ yếu xoay quanh chính sách bồi thường, di dời người dân quanh bãi rác. Qua đối thoại, hiện vẫn còn ba vấn đề người dân mong lãnh đạo TP Hà Nội trả lời, gồm: Chính sách di dời các hộ dân sống quanh bãi rác phải đồng loạt chứ không lẻ tẻ; cam kết thời gian bồi thường và cuối cùng là mức giá bồi thường phải đưa ra thảo luận trước với dân.

Đến 17 giờ cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Mạc, Bí thư xã Nam Sơn, cho biết người dân đã tự tháo dỡ lều trại, đường vào bãi rác đã thông.

Chi trả bồi thường, hỗ trợ dân từ tháng 2-2019

Ngày 13-1, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu trước ngày 20-1, Sở TN&MT phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m quanh bãi rác Nam Sơn; phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức phê duyệt, cắm và bàn giao mốc giới ngoài thực địa trước ngày 20-2, làm cơ sở để tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định. Đồng thời, TP giao huyện Sóc Sơn trước ngày 30-1 tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền; đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ từ tháng 2-2019.

Bãi rác Nam Sơn là nơi xử lý chính rác thải của bốn quận nội thành Hà Nội với khoảng 4.000 tấn/ngày. Bãi rác Nam Sơn rộng khoảng 83 ha với chín ô chứa rác tiêu chuẩn, trong đó một số ô đã bị quá tải, không tiếp nhận rác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

(PLO)- Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ở Nam Bộ sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ làm cho tầm nhìn xa có phần hạn chế; trưa, chiều giảm mây và nắng, cường độ nắng gia tăng vào giữa trưa, trời nắng nóng.

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

(PLO)- Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, cho biết quận sẽ phấn đấu bình quân mỗi người dân quận 1 trồng một cây xanh, cùng chung sức ‘Vì một Việt Nam xanh” theo chủ trương trồng một tỉ cây xanh của Chính phủ.