Thủ tướng: Không để công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm đổ về VN

Sáng nay, 8-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của ngành TN&MT.

Đảm bảo môi trường sống cho người dân

Tại đây, Thủ tướng đã biểu dương ngành TN&MT trong năm qua đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, từ bị động giải quyết các sự cố môi trường sang chủ động phòng ngừa.

Đặc biệt năm vừa qua Bộ TN&MT đã rà soát bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích cần cấp…

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, việc Bộ TN&MT đạt được các kết quả quan trọng cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói, đồng thời biểu dương một số tỉnh, thành đã làm tốt công tác quản lý trong lĩnh vực TN&MT như: Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành TN&MT sáng ngày 8-1.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại và yêu cầu toàn ngành môi trường cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, trong đó đặc biệt là đảm bảo môi trường sống an toàn cho nhân dân.

Dẫn 14 vấn đề lo lắng của người dân hiện nay theo kết quả từ một cuộc khảo sát xã hội, Thủ tướng cho hay có 4/14 vấn đề người dân lo lắng liên quan đến lĩnh vực TN&MT gồm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng. Vì vậy ngành TN&MT cần phải thấy được trách nhiệm của mình có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo đó, Thủ tướng tán thành mục tiêu Bộ TN&MT đặt ra trong năm 2019 là rà soát, hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường; tiến tới ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố.

Nhấn mạnh để làm tốt công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý, Thủ tướng đề nghị ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thành bốn quy hoạch trong hai năm tới: Quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch môi trường quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành TN&MT tích cực vào cuộc để nhanh chóng chấm dứt tình trạng “phát canh, thu tô” tại các nông lâm trường để người dân có đất sản xuất. Đồng thời, chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, lún sụt, động đất; dự báo thiên tai; tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông, có phương án phục hồi các dòng sông “chết”…

Thủ tướng đặt hàng ngành TN&MT 4 nhiệm vụ

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra bốn vấn đề lớn mà ngành TN&MT cần tập trung giải quyết trong năm 2019 gồm:

Thứ nhất, theo dự báo hiện nay quy mô sản xuất, Việt Nam là một công xưởng lớn của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của thời đại.

“Ngành TN&MT phải trở thành cơ quan gác cửa, không để “thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu” gây ô nhiễm đổ về Việt Nam khi chúng ta xác định không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế...”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì Hội nghị ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019.

Thứ hai, một câu hỏi đặt ra với Bộ TN&MT là làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba là ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đặt bài toán này cho ngành TN&MT trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, Thủ tướng đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, sạt lở sông, biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc.

Thứ tư là vấn đề xã hội hóa nguồn lực, kinh tế tài chính trong TN&MT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm