TP.HCM kêu gọi xử lý rác khẩn cấp

“Sau kẹt xe, ngập nước, xử lý rác là chương trình đang được TP.HCM quan tâm thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư sẽ được công khai, minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị “Kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt-phát điện” tổ chức tại TP.HCM ngày 26-11.

Chuyển sang đốt-phát điện

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết hiện nay rác thải sinh hoạt ở địa bàn TP chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Cụ thể, với lượng rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày hơn 7.000 tấn thì chôn lấp chiếm khoảng 76%, còn lại xử lý bằng công nghệ đốt không phát điện và một phần làm phân compost.

Hiện TP.HCM có hai khu liên hợp xử lý rác sinh hoạt. Tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đang xử lý bằng công nghệ chôn lấp với công suất 5.500 tấn/ngày. Còn tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc-Củ Chi, nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Vietstar đang xử lý bằng công nghệ tái chế nhựa làm phân compost với công suất 1.800 tấn/ngày; nhà máy của Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa xử lý bằng công nghệ đốt với công suất 1.300 tấn/ngày.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan một mô hình đốt rác thí nghiệm tại bãi rác Gò Cát, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, do lượng rác sinh hoạt tăng liên tục nên với công suất hiện nay các nhà máy nói trên không đáp ứng được yêu cầu xử lý rác của TP. Do đó, với lượng rác sinh hoạt tăng 5% hằng năm, TP cần kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới với công nghệ hiện đại, đốt-phát điện. Đối với những nơi xử lý bằng công nghệ chôn lấp, tái chế và đốt không phát điện cũng cần phải chuyển đổi công nghệ xử lý, chuyển sang đốt-phát điện…

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty VWS, cho biết theo yêu cầu của TP, công ty sẽ chuyển đổi công nghệ để xử lý khoảng 2.000 tấn rác từ chôn lấp sang đốt-phát điện. Tuy nhiên, do hiện nay đề án này chưa hoàn thiện nên công ty chưa thể tiết lộ giá thành xử lý. Đại diện của Công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa cũng cho biết sẽ chuyển đổi công nghệ sang đốt-phát điện nhưng chưa tiết lộ giá thành xử lý.

Lâu nay những lĩnh vực quan trọng thường do Nhà nước đầu tư. Nhưng qua hội thảo hôm nay, chúng ta thấy Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư mà chỉ cần chi trả dịch vụ. Trong xử lý rác cũng vậy, Nhà nước chuyển từ đầu tư sang chi trả dịch vụ sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Bí thư Thành ủy NGUYỄN THIỆN NHÂN 

Tránh “tù mù”

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng cách làm của Thành ủy, UBND TP.HCM (công khai hóa việc xử lý rác) là đáng hoan nghênh. Qua đó tránh tình trạng “tù mù” trong hoạt động xử lý rác đã từng xảy ra ở nhiều nơi trong thời gian qua. “Bộ cũng sẽ tham vấn cho Chính phủ đặt ra những tiêu chí để đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư, cho các mô hình công nghệ mới” - Thứ trưởng Đông nói thêm.

Ông Đông đề xuất: “Trước đây có thực trạng doanh nghiệp chạy cho bằng được giấy phép rồi hoạt động hàng chục năm nhưng xử lý không đảm bảo. Do đó, theo tôi, khi nhà đầu tư trúng thầu, xây dựng xong công trình cần phải vận hành thử 2-3 tháng cho đến khi các cơ quan quản lý đo kiểm đạt quy chuẩn mới ký hợp đồng lâu dài”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Mỗi ngày TP phát sinh gần 8.000 tấn rác, lúc nào cũng lo, không biết lúc nào sẽ phát tán mùi hôi, lúc nào rác rơi vãi trên đường… Hôm nay, với báo cáo của các nhà khoa học, chúng ta thấy có đầy đủ công nghệ hiện đại để xử lý rác đảm bảo yêu cầu về môi trường”.

40 nhà đầu tư mong muốn xử lý rác cho TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến thời điểm tổ chức hội nghị, TP đã tiếp nhận đề xuất của 40 nhà đầu tư về xử lý rác. Đây là số nhà đầu tư mong muốn tham gia xử lý rác cho TP nhiều nhất trong 10 năm qua. Theo đó, TP.HCM sẽ nhanh chóng xây dựng các tiêu chí xét chọn cũng như chính sách ưu đãi… và sẽ sớm tổ chức đấu thầu công khai để chọn ra những đơn vị có đủ năng lực xử lý rác cho TP.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, với tỉ lệ tăng 5% hằng năm, đến năm 2020 lượng rác phát sinh của TP mỗi ngày sẽ hơn 10.000 tấn, đến năm 2025 hơn 12.000 tấn. TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 lượng rác sinh hoạt xử lý bằng chôn lấp chỉ còn khoảng 20%, còn lại chủ yếu xử lý bằng công nghệ đốt-phát điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm