Muôn kiểu mưu sinh sau chiến dịch "dẹp loạn" vỉa hè

Sau chiến dịch "dẹp loạn" vỉa hè, trật tự đô thị tại Hà Nội được cải thiện trông thấy. Vỉa hè trên các tuyến phố đã phần nào bớt "nhốn nháo" hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, cũng bởi bị dẹp, nhiều người xưa nay "bám" vỉa hè để kiếm sống thì này bỗng chốc bị mất nơi mưu sinh. Để ứng phó, một số đã tận dụng những khoảng trống vỉa hè ít ỏi để tiếp tục buôn bán. Trong ảnh là một quán trà đá với diện tích chỉ khoảng hơn một m2.

Người đàn ông này tận dụng phần bậc tam cấp phía trước một tiệm trên phố Nguyễn Thái Học đang đóng cửa. Vật dụng hành nghề được ông thiết kế sao cho nhỏ gọn nhất, để có thể di chuyển tới vị trí khác bất cứ lúc nào.

Tương tự, một quán trà đá "mini" tại đường Yên Phụ với diện tích chưa đến một m2. Khi có khách uống, chủ quán mới lấy ghế ra để ngồi, khi khách đi, chủ quán nhanh chóng thu gọn ghế nhằm tránh lấn chiếm thêm không gian.

Còn người đàn ông này thì tận dụng khoảng trống phía dưới gầm một bậc thang lên xuống trên đường Yên Phụ. Công việc của ông là bơm, vá và thay xăm, lốp cho xe đạp.

Để khách có thể dễ dàng nhận ra, ông đặt chiếc bơm trên vỉa hè làm dấu hiệu. Những người có nhu cầu sửa chữa chỉ cần nhìn vào chiếc bơm này sẽ hiểu tại đây có dịch vụ họ cần.

Một người phụ nữ bán hàng rong trên phố Hàng Bông tranh thủ ngồi bán trước một cửa hiệu đang đóng cửa.

Quán chè trên phố Hàng Đào có phần "sáng tạo" khi tận dụng khoảng không gian còn thừa từ cửa sổ của một tiệm quần áo. Cả quán chỉ có khoảng 3-4 chiếc ghế cho khách ngồi ăn. Phần lớn người mua chè tại đây đều là mang đi.

Hoặc tiết kiệm hơn như người phụ nữ này, chị chỉ cần một chiếc ghế để bày bán mũ bảo hiểm. Tại Hà Nội, những "cửa hàng" mũ bảo hiểm như vậy rất dễ bắt gặp trên các con phố.

Một tiệm bán xăng ở đường Quán Thánh sử dụng chiếc ghế cùng một chai nhựa nhỏ có chiếc phễu phía trên để làm dấu hiệu nhận biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm