Nâng tỉ lệ rừng để thích ứng biến đổi khí hậu

Dự thảo xác định việc bảo vệ, phát triển bền vững rừng nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học để ứng phó hiệu quả với BĐKH. Đến năm 2020, Việt Nam cần nâng tỉ lệ đất có rừng lên 47%; thực hiện các chương trình bảo vệ, quản lý bền vững diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất hiện có...

Theo Bộ TN&MT, nước ta nằm ở một trong những ổ bão của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ trong giai đoạn 2000-2010, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán và các thiên tai khác đã làm hơn 9.500 người chết và mất tích, gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP/năm. Thời gian tới, BĐKH sẽ làm thiên tai ác liệt hơn, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội. Khu vực chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ TN&MT cho rằng việc ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, tận dụng các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, cần tăng cường khả năng thích ứng của con người, phát triển nền kinh tế cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước...

Theo các kịch bản BĐKH, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2,3 độ C, tổng lượng mưa tăng nhưng mùa khô lại hạn; nước biển dâng khoảng 0,75-1 m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu nước biển dâng 1 m sẽ làm khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 20% diện tích TP.HCM bị ngập. Khi đó GDP sẽ bị tổn thất khoảng 10%, cả chục triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm