Nha Trang: Cẩn thận với “cò” du lịch

Sau một thời gian tạm lắng, vài tháng trở lại đây, khi du khách nước ngoài đổ về Nha Trang nghỉ dưỡng rất đông, giới “cò” du lịch ở chợ Đầm (Nha Trang, Khánh Hòa) bắt đầu hoạt động mạnh trở lại.

Chân dung “cò” du lịch

Trưa 4-3, chúng tôi đến chợ Đầm để tìm hiểu cách thức làm ăn của “cò” du lịch. Ngay tại cổng chợ, một nhóm “cò” chừng 5-7 người đang lố nhố đứng chờ khách giữa cái nắng khá gay gắt. Khi thấy hai du khách nước ngoài vừa xuống taxi, “cò” Võ Thị Kim Loan cùng một “đồng nghiệp” lập tức băng qua đường để tiếp cận khách. Bằng thứ tiếng Anh “bồi”, Loan liến thoắng mời khách đến mua hàng lưu niệm tại một sạp hàng trong chợ. Khi khách vừa mua xong và bỏ đi, Loan lập tức quay sang đòi chủ sạp chia tiền. Cũng trong ngày, PV bắt gặp “cò” Nhựt đang dẫn dụ khách mua hàng tại cửa hàng lưu niệm Tấn Đạt ở chung cư G chợ Đầm. Khi phát hiện bị chụp ảnh, “cò” Nhựt liền núp vào phía trong cửa hàng…

Theo một tiểu thương, các “cò” chủ yếu hoạt động từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều, giờ mà du khách nước ngoài đến chợ đông nhất. Mỗi nhóm thường có những mối làm ăn riêng: “Cò” Loan thường dẫn khách đến sạp hàng của bà Huế chuyên bán mũ và túi xách, “cò” Hương chuyên dắt đến các hàng trái cây phía trước chung cư B chợ Đầm, “cò” Nhựt chuyên hàng lưu niệm ở chung cư A chợ Đầm… Vào các tháng cao điểm, mỗi ngày các “cò” có thể kiếm được cả triệu đồng. Cũng vì lợi nhuận nên giữa các “cò" cũng thường xảy ra tranh giành khách, dẫn đến xô xát.

Nha Trang: Cẩn thận với “cò” du lịch ảnh 1

“Cò” Phan Thị Ngọc Loan (thường gọi là Nhựt) đang “làm giá” với khách du lịch nước ngoài tại cửa hàng Milan ở chung cư A, chợ Đầm. Ảnh: T.NGUYỄN

Du khách dễ sập bẫy

Hiện tượng “cò” du lịch không phải mới, du khách cũng đã cảnh giác hơn thế nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy”. Chị Loan, một tiểu thương ở chợ Đầm, cho biết nhiều lần chứng kiến “cò” lừa bán cho du khách nước ngoài túi xách, mũ với giá cao gần gấp đôi so với giá của cửa hàng. Thời gian gần đây, khi lượng khách Nga sang Việt Nam khá đông, bắt đầu xuất hiện thêm một số đối tượng chuyên “cò” khách Nga. Những người này thường xuyên đến các khu phố có nhiều khách sạn để làm quen rồi dẫn khách đi may áo quần, ăn uống, giải trí... với giá cao để kiếm tiền chênh lệch.

Mới đây, một nhóm khách Nga nhờ một tay “cò” dẫn đi mua trái cây ở chợ Xóm Mới (Nha Trang) và bị ăn “quả đắng” khi phải trả đến 1,2 triệu đồng cho một bịch trái cây trị giá 120.000 đồng. Khi về khách sạn và được lễ tân cho hay đã mua hớ, cả nhóm liền thuê xe taxi quay trở lại sạp trái cây với thái độ rất tức tối. Họ liên tục vỗ… mông bành bạch, chửi người bán hàng là “lừa đảo”, “kẻ khủng bố”. Trong khi bà chủ sạp trái cây chưa kịp hoàn hồn, cả nhóm đã xông vào hốt thêm trái cây để bù lại số tiền đã mất!

Không xử lý được?

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Đầm, bày tỏ: “Ban quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp như yêu cầu các chủ kinh doanh cam kết không tiếp tay cho “cò”; lập sổ theo dõi các “cò” có hình ảnh kèm theo; trang bị camera ghi lại hình ảnh chèo kéo khách để làm bằng chứng xử lý… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể dẹp được “cò” du lịch”.

Anh Lê Văn Thắng, nhân viên Ban Quản lý chợ Đầm, lý giải thêm: “Các “cò” du lịch thường cắt cử người cảnh giới lực lượng chức năng. Mỗi khi nhìn thấy bóng dáng nhân viên ban quản lý, các “cò” liền vội vã bỏ đi hoặc giả vờ như đang đi chợ một cách bình thường. Vì vậy, ban quản lý rất khó bắt được quả tang. Từ đầu năm 2012 đến nay, chúng tôi mới chỉ bắt quả tang được hai “cò” đang dụ du khách nước ngoài mua hàng với giá cao”.

Điều đáng nói, bắt quả tang “cò” du lịch đã khó nhưng việc xử lý cũng không hề dễ dàng do vẫn chưa có chế tài để xử lý. “Mỗi khi bắt quả tang các “cò” du lịch đang hành nghề, chúng tôi chỉ lập biên bản rồi chuyển hồ sơ nhờ công an phường xử lý. Tuy nhiên, phía công an cũng chỉ phạt hành chính để răn đe” - ông Hội cho hay.

Cũng theo ông Hội, hầu hết “cò” du lịch ở chợ Đầm đều rất chai lì, thường xuyên tái phạm. Thậm chí năm 2009 có đối tượng còn dùng dao đâm trọng thương nhân viên ban quản lý chợ. Một số chủ cửa hàng ở chợ Đầm cho biết không hề muốn bắt tay với “cò” vì như vậy sẽ khó bán hàng hơn (do giá quá cao), nếu bị phát hiện còn bị ban quản lý xử phạt. Tuy nhiên, nếu không đồng ý cho “cò” chèo kéo khách, họ sẽ dẫn khách đi nơi khác, tìm cách nói xấu về cửa hàng. Nhiều đối tượng còn hăm dọa sẽ hành hung nếu chủ cửa hàng không cho chúng “làm giá” với khách.

Theo Ban Quản lý chợ Đầm, hiện khu vực này có khoảng 13 “cò” du lịch đang hoạt động. Những “cò” lâu năm nhất là Phan Thị Ngọc Loan (SN 1971, tên thường gọi là Nhựt), Nguyễn Thị Thảo (SN 1960, biệt danh Thảo “rụng”), Lương Thị Hiền (SN 1967, biệt danh Gái “ghẻ”), Trần Thị Thu Hà (SN 1971, biệt danh Hà “cháy”)… Mới nhất là “cò” Đoàn Thị Hương (SN 1994), vừa xuất hiện trước tết Nguyên đán 2012. Có những gia đình có cả hai thế hệ cùng làm “cò” du lịch như: Thảo “rụng” có con gái là Trần Thị Mỹ Diệu (SN 1994); Hà “cháy” có con gái là Võ Thị Kim Loan (SN 1994) cùng tham gia chèo kéo khách.

__________________________________________

Lãnh đạo tỉnh từng nhiều lần chỉ đạo dẹp bỏ nạn “cò” du lịch cũng như hàng rong chèo kéo khách nhưng vẫn chưa giải quyết được. Trong tình hình này, các đơn vị lữ hành cần cho hướng dẫn viên đưa khách đi mua sắm, các khách sạn cũng nên khuyến cáo khách không mua hàng qua các đối tượng cò mồi… Ban Quản lý chợ Đầm cũng phải mạnh tay hơn nữa với các chủ hàng tiếp tay cho “cò” du lịch, nếu tái phạm cần rút giấy phép kinh doanh.

Ông VÕ ĐÌNH THU, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa

Hoạt động của các “cò” rất dễ làm du khách nước ngoài mất lòng tin với du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Để dẹp bỏ nạn “cò”, cần có giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, trong đó chú trọng đến giải pháp tạo công ăn việc làm cho các “cò” du lịch.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Khánh Hòa

THÀNH NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm