Nhiều đơn vị xây dựng còn lơ mơ khi soạn hợp đồng

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận xét như trên tại hội thảo “Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng” do VIAC và Sở Xây dựng tổ chức ngày 21-4.

Soạn hợp đồng không kỹ

Ông Hiệp cho hay thời gian qua, tình trạng tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng tăng từ khâu tư vấn đến thi công. Nhận thức được việc này, khi thảo hợp đồng về xây dựng, doanh nghiệp nước ngoài họ rất kỹ lưỡng nhưng ở ta lại chưa được chú trọng.

“Một hợp đồng của họ dày hàng chục trang giấy với các điều khoản kín kẽ. Trong khi đó, hợp đồng của không ít đơn vị của ta đa số chừng mười mấy trang. Các kỹ sư, kiến trúc sư chưa được trang bị đủ kiến thức pháp lý nhưng cũng làm luôn nhiệm vụ này. Dự án thì lên đến hàng trăm tỉ đồng nên khi có tranh chấp sẽ bị lúng túng, thiệt thòi” - ông Hiệp bày tỏ.

Theo ông Hiệp, cần tránh tranh chấp tối đa bằng một hợp đồng chặt chẽ và nên thỏa thuận cơ chế chọn cơ quan nào giải quyết khi có tranh chấp. “Muốn chọn trọng tài giải quyết thì phải ghi rõ tại hợp đồng, nếu không tranh chấp sẽ do tòa án thụ lý” - ông Hiệp lưu ý.

Trọng tài quốc tế chưa hẳn hơn

Theo các chuyên gia, hiện nay các bên tham gia hợp đồng có thể chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế và trọng tài Việt Nam.

PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM kiêm trọng tài viên của VIAC, cho biết có sự khác biệt rất lớn giữa giá trị thi hành của phán quyết trọng tài quốc tế và trọng tài Việt Nam. Phán quyết của trọng tài Việt Nam có giá trị thi hành ngay nhưng với phán quyết của trọng tài quốc tế thì phải qua thủ tục công nhận và cho thi hành.

“Thực tế đã có nhiều phán quyết của trọng tài quốc tế, trong đó có hai phán quyết của trọng tài Úc, đã không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam do không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” - ông Đại dẫn chứng.

Theo ông Đại, hiện nay trình độ của trọng tài Việt Nam đã được nâng cao hơn nhiều, có chuyên môn cao, học ở nước ngoài nên chất lượng giải quyết được đánh giá tốt.

Ông Hiệp đánh giá so với tòa án thì cơ quan trọng tài có ưu điểm là giải quyết rất nhanh, rất nhiều trường hợp hòa giải thành.

TS Trần Du Lịch cho rằng: “Chưa chắc chọn trọng tài quốc tế thì công lý hơn chọn trọng tài Việt Nam. Không phải tự nâng mình nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp có thể đặt niềm tin vào trọng tài Việt Nam”.

Doanh nghiệp không sợ lộ thông tin

Tại hội thảo, một nhà thầu thắc mắc: Tòa án giải quyết kéo dài nhưng đa số tranh chấp của các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang được tòa án giải quyết, nguyên nhân do đâu? Nhờ trọng tài thì có ưu điểm nào hơn tòa?

Ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch VIAC, cho hay chọn đơn vị nào giải quyết là do quyền của các bên. Ưu điểm của phương thức chọn trọng tài là quyền tự chủ của doanh nghiệp phát huy tối đa như có quyền lựa chọn trọng tài viên, ngôn ngữ, địa điểm. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm trừ khi có yếu tố cho rằng phán quyết của trọng tài là không hợp pháp thì có quyền yêu cầu tòa án hủy. Ngoài ra, việc giải quyết tại cơ quan trọng tài không phải công khai như tòa án cũng là một ưu điểm.

PGS-TS Đỗ Văn Đại cho rằng muốn chọn trọng tài thì phải ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên, có nhiều hợp đồng không đưa ra điều kiện này nên vụ việc đương nhiên do tòa án giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm