Phó Thủ tướng giao Đà Nẵng làm cảng Liên Chiểu

Ngày 4-1, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết đã nhận được thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau cuộc làm việc với TP về dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu.

Theo đó, Phó Thủ tướng kết luận: theo điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng biển Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1); về lâu dài có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA). Cảng biển Đà Nẵng gồm khu bến Tiên Sa và khu bến Liên Chiểu.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thực tế khu bến cảng Tiên Sa chỉ đạt công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn/năm do chịu áp lực lớn về giao thông kết nối, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng bến cảng và không đạt được công suất khai thác theo quy hoạch đã được phê duyệt. Do đó cần phải giải toả giao thông để phục vụ cho hoạt động của khu bến cảng Tiên Sa.

Cảng Tiên Sa sẽ dần được chuyển thành cảng du lịch, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hoá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: LÊ PHI.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, việc giải toả giao thông khu vực Tiên Sa ngày càng khó khăn. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nên rất khó thực hiện và khó đạt được hiệu quả đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, cần sớm nâng cấp khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hoá bằng đường biển và phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung và của TP Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư và đã chỉ đạo việc đầu tư cảng Liên Chiếu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách. “Trên cơ sở tổng hợp toàn diện về nhu cầu phát triển khu bến cảng Liên Chiểu (đã được phân tích kỹ về hiệu quả của các phương án khai thác bến cảng Tiên Sa và phương án đầu tư bến cảng Liên Chiểu để so sánh). Đồng thời, căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cảng biển, đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng, trước mắt giao UBND TP Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng kết luận.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc giao chính thức cơ quan chủ quản của dự án sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT.  

Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của pháp luật, trong đó cần so sánh các phương án tổ chức giao thông đến bến cảng Tiên Sa và bến cảng Liên Chiểu để chọn phương án tối ưu (trong đó khẳng định rõ sự cần thiết có hay không đầu tư bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu về vận tải hàng hoá, đảm bảo an toàn giao thông, hiệu quả đầu tư của dự án và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững).

Trước đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT bố trí 500 tỉ đồng từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội.

Nguồn kinh phí này giúp Đà Nẵng sớm khởi công dự án trong năm 2019 và triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Được biết, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm