Biệt thự cổ trước nguy cơ xóa sổ: Cần xem xét cẩn trọng

Ngày 8-1, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết về nguyên tắc thì cần phải lập một bộ hồ sơ thật kỹ lưỡng về vấn đề này để lưu giữ, những công trình cổ như thế này cần được xem xét cẩn trọng.

Biệt thự cổ tại số 26 Lê Lợi, TP Huế.

Theo ông Trần Đình Hằng, ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp này gắn liền với hai giá trị, đó là giá trị mỹ thuật và giá trị kiến trúc, nơi đây mang nhiều dấu ấn đặc biệt cho Huế, cho miền Trung và cả nước từ đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với tên tuổi của cụ Phan Khôi, người sáng lập ra tờ tuần báo Sông Hương.

Ông Trần Đình Hằng chia sẻ thêm trước đây có nhiều biệt thự ở đường Lê Lợi, đường Lý Thường Kiệt cũng đã bị đập bỏ và để lại một khoảng đất trống suốt nhiều năm qua, liệu câu chuyện này có lặp lại với ngôi nhà số 26 Lê Lợi. Mọi công trình không còn giá trị thì có quyền thay thế nhưng phương thức thế nào, lộ trình thế nào thì phải làm cho nó phù hợp.

“Cần có cái nhìn từ nhiều phía, phải đầu tư như thế nào cho nó phù hợp, một trục đường vàng như đường Lê Lợi nếu làm một cái khách sạn liệu có ổn không và có nên hay không. Câu hỏi đặt ra liệu hiệu suất của các khách sạn tại Huế nó như thế nào, những người làm du lịch cần trả lời câu hỏi này” - ông Hằng nói.

Theo phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, UBND tỉnh cần lập ngay một hội đồng chuyên môn để quy hoạch về các vấn đề về nói trên. Nếu muốn đập bỏ ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp để thay vào đó là dự án khách sạn thì các công ty, doanh nghiệp cần phải xây dựng lại các công trình mang phong cách của kiến trúc Pháp thì mới ổn được.

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT, cũng cho biết: Định hướng phát triển của tỉnh là toàn bộ trục đường Lê Lợi từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, khu sát bờ sông sẽ trở thành khu bảo tàng, quảng trường sinh hoạt chung cho khách du lịch. Còn phía đường đối diện sẽ phát triển dịch vụ nên thời gian tới các trụ sở cơ quan nhà nước lâu dài sẽ chuyển về trung tâm hành chính.

Theo giám đốc Sở KH&ĐT, trong quá trình để có ý tưởng phát triển tốt thì tỉnh sẽ cho các doanh nghiệp nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu thì sẽ lấy ý kiến, đánh giá của các cơ quan chức năng, trong đó phải lấy ý kiến của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhưng việc đánh giá phải dựa trên khoa học chứ không phải bằng cảm tính.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, vào ngày 28-10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26 và 28 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế theo đề xuất của Sở KH&ĐT tỉnh.

Đặc biệt, trong hai khu đất trên, khu đất 26 Lê Lợi có một ngôi biệt thự cổ, hiện là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vì vậy, trước những thông tin trên, nhiều văn nghệ sĩ ở Huế cảm thấy rất lo lắng, ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp có giá trị lớn về mặt mỹ thuật và là nơi mà họ đã gắn bó từ lâu nay đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ để các công ty, doanh nghiệp đầu tư làm dự án khách sạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm