Đất 45 m2 có nhà được tách thửa

Sau nhiều lần lấy ý kiến, dự thảo lần này nhằm thay thế Quyết định (QĐ) 33/2014 của UBND TP.HCM (về diện tích tối thiểu khi tách thửa) được xem là hoàn chỉnh nên Sở TN&MT chính thức trình TP ngày 18-7 vừa qua.

Ba khu vực gộp thành hai

Theo tờ trình của Sở TN&MT, địa bàn TP được phân chia thành hai khu vực làm cơ sở quy định diện tích tối thiểu để tách thửa.

Theo đó, khu vực 1 gồm quận 1, 3, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú. Đất ở tại khu vực 1 muốn tách thửa phải đảm bảo thửa đất tách ra có diện tích tối thiểu 50 m2 (đối với thửa đất chưa có nhà) và tối thiểu 45 m2 với thửa đất có nhà hiện hữu.

Khu vực 2 gồm các quận, huyện còn lại. Diện tích nhỏ nhất của thửa đất ở tách ra là 80 m2 (đất trống) và 50 m2 (đất có nhà hiện hữu). Diện tích tối thiểu được tính sau khi đã trừ đi lộ giới.

Đây là nội dung lần đầu tiên được đưa vào các dự thảo thay thế QĐ 33 sau khi có góp ý của các quận, huyện. Tại QĐ 33, địa bàn TP phân chia làm ba khu vực có các diện tích tối thiểu khi tách thửa khác nhau. Trong đó, khu vực 3 gồm các huyện ngoại thành và diện tích tối thiểu của thửa đất tách ra lớn hơn tại tờ trình này (120 m2 đối với đất trống, 80 m2 đối với đất có nhà). Còn theo dự thảo này thì khu vực 3 được gộp vào khu vực 2.

Cạnh đó, Sở tiếp tục giữ ý kiến về quy định “đất ở có nhà hiện hữu” (diện tích tối thiểu nhỏ hơn đất trống - PV) thì nhà ở này phải hình thành trước ngày QĐ 33/2014 có hiệu lực và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

Theo dự thảo, ở khu vực 2, diện tích nhỏ nhất của thửa đất ở tách ra là 80 m2 (đất trống) và 50 m2 (đất có nhà hiện hữu) sau khi trừ lộ giới. Ảnh: HTD

Đất ở trên 2.000 m2 muốn tách thửa phải lập dự án

Tại tờ trình, Sở TN&MT bảo lưu quan điểm về nội dung “đất ở trên 2.000 m2 muốn tách thửa phải lập dự án”.

Sở này cho biết Tổng cục Quản lý đất đai cũng “cơ bản thống nhất với nội dung này”. Theo Tổng cục Quản lý đất đai, quy định trên nhằm tránh việc lợi dụng tách thửa để chuyển nhượng, thu gom đất để lập phương án tách thửa nhỏ, kinh doanh bất động sản, hình thành các khu dân cư chưa đảm bảo hạ tầng, không có công trình công cộng về lâu dài sẽ gây áp lực cho chính quyền địa phương.

Sở TN&MT cho biết Sở tiếp thu ý kiến này của Tổng cục vì xuất phát từ thực tế TP có nhiều khu đất trên 2.000 m2 đã tách thửa nhưng đường giao thông và khu nhà ở không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, không đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch như đường giao thông, không có cây xanh, công trình xã hội

Được tách thửa ở “đất ở xây dựng mới”, “đất ở hỗn hợp”

Một trong những góp ý của các quận, huyện cũng được tiếp thu tại tờ trình lần này là quy định tách thửa đối với đất ở mà theo quy hoạch thì thuộc khu vực “đất ở xây dựng mới”, “đất ở hỗn hợp”.

Theo đó, trường hợp đất ở như trên sẽ không được tách thửa nếu đã có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thu hồi để thực hiện dự án. Tuy nhiên, nếu sau ba năm mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện hoặc có nhưng chưa có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất được tách thửa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Toàn cảnh hội thảo về không gian đô thị Phú Quốc

Đừng biến đảo ngọc Phú Quốc thành đảo ngập

(PLO)-  Các chuyên gia cho rằng không nên xây dựng thiếu quy hoạch biến Phú Quốc từ đảo ngọc thành đảo ngập, mà nên tận dụng thế mạnh hệ sinh thái nguyên sơ để xây dựng Phú Quốc thành một đô thị du lịch đặc thù.
Nhiều chung cư mini như ‘bom nổ chậm’ ở Tân Bình

Nhiều chung cư mini như ‘bom nổ chậm’ ở Tân Bình

(PLO)- Quận Tân Bình cho biết trên địa bàn quận có nhiều chung cư mini xây trong hẻm, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, "nén" rất nhiều người... gây áp lực cho hạ tầng xã hội, hạ tầng địa phương.