Quảng Nam đã dừng toàn bộ các dự án BT

Ngày 2-10, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chính thức lên tiếng về các vụ việc lùm xùm liên quan đến dự án BT làm 1,9 km đổi 105 ha đất và huy động vốn trái phép đang diễn ra tại khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) mà Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ánh.

Về vấn đề Quảng Nam giao cho doanh nghiệp làm 1,9 km đường để đổi lấy 105 ha đất liệu có trái chỉ đạo của trung ương khi đã có yêu cầu dừng các dự án BT, ông Toàn cho hay từ năm 2003 đến 2018, Quảng Nam có tổng cộng 144 dự án BT. Trong đó, khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc (diện tích 2.700 ha) có 79 dự án, các địa phương còn lại có 65 dự án. Từ ngày 1-1-2018, tỉnh Quảng Nam đã dừng toàn bộ các dự án BT theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Về dự án BT làm 1,9 km của Công ty TNHH SX&TM Bách Đạt (đã đổi tên thành Công ty Bách Đạt An - PV) để nhận trên 105 ha đất, ông Toàn cho hay để làm con đường BT này công ty trên đã bỏ ra trên 69 tỉ đồng. Ngoài ra, với diện tích hoán đổi Công ty Bách Đạt đã bỏ ra khoảng 400 tỉ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đến nay, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh do Sở TN&MT chủ trì đã phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất và giao đất cho nhà đầu tư là ba khu đất với diện tích 47,45 ha (trong số 105 ha). Số tiền sử dụng đất nhà đầu tư đã nộp sau khi trừ chi phí xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng… là trên 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 47,45 ha mà UBND tỉnh đã giao cho nhà đầu tư thì cơ cấu diện tích đất khai thác nộp tiền sử dụng đất chỉ trên 26,2 ha. Như vậy, sau khi tính đủ các chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra thì Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư 18,9 tỉ đồng hoặc trả lại số đất tương đương số tiền này.

Trả lời số tiền khai thác quỹ đất của Quảng Nam trong cơ cấu nguồn thu ngân sách hằng năm là bao nhiêu, ông Toàn cho biết nguồn thu từ khai thác quỹ đất không nhiều, chủ yếu thu rồi quay lại dùng vào phát triển hạ tầng. Cụ thể, trong tổng số nguồn thu chín tháng đầu năm 2018 của Quảng Nam là 20.000 tỉ đồng thì thu từ đất khoảng 500 tỉ đồng.

Về phản ánh có những nhà đầu tư chưa hoàn thành hạ tầng, chưa có giá đất cụ thể đã bán đất trên giấy là vi phạm pháp luật; giữa chủ đầu tư và người dân có hợp đồng góp vốn là trái pháp luật, ông Toàn nói: “Việc này chúng tôi đang giao cho Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành thanh tra, chấn chỉnh”.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, một số doanh nghiệp bán “lúa non” đang kêu cứu. Cụ thể, do chưa hoàn thành hạ tầng, chưa có giá đất nhưng đã đem bán trước đó với giá 3 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ nhà nước định giá đất là 6,5 triệu đồng/m2 thì buộc phải bù vào 3,5 triệu đồng/m2 nên chỉ có nước… phá sản!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm