Rà soát việc chuyển đổi rừng nghèo sai mục đích

Trên các số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCMphản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng sau khi nhận đất, nhận rừng để bảo vệ, quản lý, khai thác đã phá hoại rừng.

Cạnh đó, nhiều địa phương khác còn có việc phá những khu rừng tự nhiên do hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai chuyện cải tạo rừng nghèo kiệt để chuyển sang trồng cây công nghiệp.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát các dự án trồng rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt, không lập các dự án cải tạo rừng để phục vụ các mục đích khác.

Rà soát việc chuyển đổi rừng nghèo sai mục đích ảnh 1
TS Nguyễn Quang Dương (ảnh), Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Bộ NN&PTNT), đơn vị trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo trên, nói: “Cải tạo rừng nghèo là giải pháp kỹ thuật cần thiết nhưng không rõ vô tình hay cố ý mà nhiều nơi đã hiểu sai”.

Cải tạo để rừng tốt hơn

. Thưa ông, mục đích của chủ trương chuyển đổi, cải tạo rừng nghèo kiệt là gì? Mục đích ấy có đạt được trên thực tế?

+ TS Nguyễn Quang Dương: Cải tạo rừng nghèo là một trong những giải pháp kỹ thuật lâm sinh đã có từ lâu nhưng trước đây chúng ta chưa áp dụng. Chúng tôi phân chia rừng thành ba loại gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất; mỗi loại rừng có một chức năng riêng.

Trong tổng số 16,2 triệu ha rừng thì rừng đặc dụng có 2 triệu ha, phòng hộ 5,5 triệu ha, rừng sản xuất 8,5 triệu ha.

Trong 8,5 triệu ha rừng sản xuất thì có hơn 1 triệu ha là rừng nghèo trung bình. Gần 3 triệu ha rừng tự nhiên còn lại được xác định là rừng nghèo kiệt nên Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép cải tạo rừng nghèo kiệt để đảm bảo nâng cao chất lượng và giá trị của rừng.

Rà soát việc chuyển đổi rừng nghèo sai mục đích ảnh 2

Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai. Ảnh: Huỳnh Kiên

Tuy nhiên, một số cán bộ địa phương không hiểu mục đích của cải tạo rừng là làm cho rừng có giá trị kinh tế, phòng hộ cao hơn lại đi chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây công nghiệp. Trong ấy không loại trừ động cơ lợi dụng chính sách, cố tình hiểu sai để làm sai mục đích cải tạo rừng nghèo. Vì thế, Bộ đã chỉ đạo rà soát, thống kê việc cải tạo rừng nghèo.

. Có bao nhiêu địa phương sai phạm?

+ Đến nay có 15/17 tỉnh thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt đã báo cáo số liệu. Hiện đang trong quá trình rà soát nên chưa có con số cụ thể các tỉnh sai phạm, cải tạo sai mục đích.

Để dân hiểu sai chủ trương: Bị kỷ luật

. Thời gian qua, một số tỉnh ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ồ ạt chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cây cao su. Tại sao, thưa ông?

+ Hiện tại có hai thông tư hướng dẫn liên quan đến trồng rừng khiến nhiều người nhầm lẫn. Đó là Thông tư 99 năm 2006 quy định tiêu chuẩn rừng nghèo kiệt và quy trình cải tạo rừng nghèo bằng việc thay thế, cải tạo cây rừng này bằng cây rừng khác sinh trưởng nhanh hơn. Còn một thông tư khác là Thông tư 58 ban hành năm 2009 về việc chuyển đổi trồng cao su trên đất lâm nghiệp, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Theo Thông tư 58, nếu rừng có trữ lượng cây đứng bình quân theo lô 10-100 m3 gỗ/ha, phục hồi kém thì cho phép chuyển đổi trồng cao su vì nó là cây đa mục đích. Trồng cao su thuộc rừng nghèo phải nằm trong quy hoạch chứ không phải vùng nào cũng được trồng.

Việc quy hoạch phát triển cao su phải theo nguyên tắc sử dụng triệt để đất lâm nghiệp không có rừng, đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi trồng cao su, đất từ các hộ dân có thể phát triển cao su tiểu điền... Chỉ được trồng cao su vào diện tích rừng tự nhiên nếu có đủ điều kiện và theo quy hoạch.

Tuy nhiên, một số nơi, một số cá nhân lợi dụng hoặc chưa hiểu thế nào là cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt, do đó khi cải tạo họ không trồng rừng mà đi trồng cây cao su hoặc cây khác (không phải cây rừng). Hiện tượng này chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.

. Khi rà soát, phát hiện sai phạm như trên thì sẽ xử lý thế nào?

+ Tùy từng mục đích quy hoạch, từng trường hợp để xử lý. Trường hợp mua bán, lợi dụng danh nghĩa, kiếm chác kinh tế sẽ bị thu hồi đất, bắt đền bù. Nếu cán bộ hướng dẫn để dân hiểu sai chủ trương thì phải kỷ luật, còn các hộ dân vô tình làm theo hướng dẫn đó thì phải xử lý mềm mỏng, không thể bắt họ nhổ đi trồng cây khác, cứng nhắc quá là không được.

. Trước đây, một số phương tiện thông tin đã phản ảnh tình trạng 10 tỉnh biên giới cho nước ngoài thuê rừng. Việc làm này có do ảnh hưởng từ Thông tư 99 và 58 hay không?

+ Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, việc cấp giấy phép là do Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT. Phần lớn diện tích cho thuê là đất trống, chúng ta kêu gọi các nguồn lực đầu tư để phát triển rừng, nâng độ che phủ nhưng khi thực hiện lại phát sinh bất cập.

Các doanh nghiệp nước ngoài trồng chủ yếu cây bạch đàn để lấy nguyên liệu sản xuất giấy. Ban đầu, mới trồng thì cây phát triển mạnh; ba, bốn năm sau thì cây chững lại vì trồng cây không đúng nguyên tắc (giống, thổ nhưỡng…) dẫn đến hiệu quả kinh tế kém, lãng phí nguồn đất, ảnh hưởng dân sinh, quy hoạch phát triển rừng quốc gia...

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm