Robot 'khủng' đào ngầm metro không làm sụp cao ốc

Hiện đoạn hầm dài 781 m từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bắt đầu được đào ngầm bằng máy TBM. 

Nhìn trên bản vẽ phối cảnh thì đoạn metro đi ngầm nằm sát bên cạnh hàng loạt tòa cao ốc hiện hữu và sẽ được xây dựng sau này

Trên bản vẽ 3D, đoạn đi ngầm xuất phát từ ga Ba Son, băng cắt ngang dưới mặt đường Tôn Đức Thắng bằng hai đường hầm Đông và Tây chạy song song. Hai đường hầm song song này chạy hoàn toàn âm dưới mặt đường Nguyễn Siêu. Đến ngã tư Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung hai đường hầm bắt đầu "vặn vỏ đỗ" chạy theo thế đường hầm trên, đường hầm dưới.

Đường hầm băng qua ngã tư Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng rồi chạy qua đường Công trường Lam Sơn, cặp bên dưới chân Nhà hát TP, kiến trúc cổ trên 100 năm tuổi. Sau đó hai đường hầm băng qua đường Đồng Khởi để nối vào ga trước Nhà hát TP.

Sau đây là một số hình ảnh thực địa phía trên mặt đất của hai đường hầm ngầm metro số 1.

Trước cửa ga Ba Son, nơi ngã ba Tôn Đức Thắng - Nguyễn Siêu hai tuyến hầm chạy song song sẽ đi dưới chân của các tòa cao ốc, nhà dân nằm dọc hai bên đường Nguyễn Siêu

Khu vực ngã tư Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung cũng là hàng loạt cao ốc nằm hai bên

Đoạn gần ngã tư Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng cũng dày đặc cao ốc, trong đó có tòa nhà Điện lực nổi tiếng

Đoạn gần giáp đường Đồng Khởi, hai tuyến hầm đi trên - dưới và sát bên hông Nhà hát TP

Vậy làm thế nào dùng thiết bị nào để đào hai tuyến hầm mà không làm ảnh hưởng, sụt lún các tòa cao ốc, công trình kiến trúc cổ bên trên?

Đó là robot đào BTM. Đây là loại TBM dùng khoan đất, sử dụng được cả trong môi trường đất yếu, nguyên tắc hoạt động là dùng đất được khoan đưa vào khoang máy tạo lực ép cân bằng với lực ép của đất đá bên ngoài. Đất, đá được khoan vào khoang máy trộn với dung dịch bentonite thành dạng lỏng. Dung dịch này được ép bằng áp suất không khí và cân bằng với lực ép của nước và đất bên ngoài sau đó được bơm ra ngoài, lọc lớp cát ra và dung dịch bentonite được tái sử dụng.

Robot TBM có tổng chiều dài 70 m và nặng 300 tấn. Trong đó đầu mũi khoan chính dài 12,5 m, có đường kính 6,79 m, phần còn lại kéo theo phía sau là các buồng công tác như buồng điều khiển, buồng cung cấp vữa xi măng, toa xe chứa đất đào đã được hóa lỏng thành bùn... Khi bùn đã đầy, các toa xe được kéo ra bãi chứa chất thải...    

Khi vách đào đã hình thành, người ta đưa các tấm bê tông hình trăng khuyết có chiều dài khoảng 3 m, rộng 1,2 m và dày hơn 30 cm này vào lắp ghép để tạo thành đường hầm

Mỗi đốt hầm hoàn chỉnh như thế này dài 1,2 m được lắp ghép từ sáu miếng bê tông hình trăng khuyết và có đường kính trong là 6,05 m và đường kính ngoài là 6,65 m. Khi đó giữa vách đào (đường kính 6,79 m) và vách hầm có một khoảng trống rộng khoảng 14 cm và người ta sẽ  bơm vào khoảng không giữa vỏ bê tông và lớp đất ngoài này một lớp vữa bê tông chất lượng cao hoặc hỗn hợp silicat đạt tiêu chuẩn nên việc sập hầm không xảy ra.

Hầm đào đến đâu, vỏ bê tông vĩnh cửu được bơm lấp tới đó. Bản thân vách hầm có hình vòng cung nên lực đè từ các công trình bên trên bị triệt tiêu hoàn toàn. Các tòa cao ốc, công trình kiến trúc cổ bên trên hoàn toàn không bị ảnh hưởng, sụt lún.... 

Và đây là đường hầm khi hoàn chỉnh với hệ thống ray và hệ thống cấp điện cho metro vận hành...

Theo ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban quản lý dự án tuyến metro số 1 (Ban 1), robot TBM đào đất và lắp vỏ hầm hoàn toàn tự động, khi thi công tàu điện ngầm thì trên mặt đất xe cộ vẫn chạy bình thường. Ngoài ra, việc thi công nhanh là ưu điểm nổi bật của công nghệ TBM vì mỗi ngày có thể đào và lắp vỏ bê tông trung bình 10-20m. Đó là chưa kể đến những ưu điểm khác như ít làm ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao, công trình có thể đưa vào sử dụng nhanh hơn các phương pháp khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm