Sẽ điều chỉnh công tác dự báo bão

“Trong các bản tin dự báo về bão số 2, chúng tôi không hề nói cụ thể giờ nào bão vào đất liền mà chỉ nói khoảng buổi chiều, buổi tối hoặc đêm thôi. Nhưng thời điểm bão vào không quan trọng bằng thời điểm nó ảnh hưởng tới đất liền, nghĩa là khi bắt đầu có gió mạnh, mưa. Do đó mọi người đừng quá chú trọng vào tâm bão” - ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

. Có ý kiến cho rằng bão số 2 vào đất liền sớm hơn 9 giờ so với dự báo. Như vậy có đúng không, thưa ông?

+ Nói như vậy là chỉ dựa trên một bản tin và chỉ căn cứ vào vị trí bão áp bờ biển mà tính ra. Trong khi đó, chúng tôi có 17-18 bản tin dự báo cho cơn bão này. Việc dự báo không thể chỉ tính trong một bản tin mà cần theo dõi tất cả bản tin liên quan và phải cập nhật thông tin từ bản tin mới nhất.

Sẽ điều chỉnh công tác dự báo bão ảnh 1

Bờ kè, vỉa hè khu 1 Đồ Sơn bị sóng đánh tan hoang. Ảnh: K.LINH

Việc phòng, chống lụt bão bao giờ cũng chú trọng đến hai thời điểm quan trọng, đó là 24 giờ và 6-12 giờ trước khi bão đổ bộ. Mục đích là để kịp thời chuẩn bị và đưa ra quyết định di dân đối với vùng có gió từ cấp 10 trở lên. Nếu dùng dự báo trước 2-3 ngày để tính toán việc di dân là lãng phí!

. Trước khi bão số 2 vào bờ một ngày, có bản tin thông báo bão cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 70 km. Vì thế nhiều người hiểu là bão sẽ đổ vào đó. Nhưng thực tế bão lại đi vào Hải Phòng, Thái Bình. Vì sao lại như vậy?

+ Lâu nay mọi người hay hiểu sai ý của chúng tôi. Trong bản tin dự báo, chúng tôi có thể nói bão cách Trường Sa khoảng 500 km nhưng thực ra bão không đổ vào Trường Sa. Việc dự báo như vậy là theo quy chế dự báo bão lũ, trong đó phải nói bão cách điểm gần nhất ở đất liền là bao nhiêu km.

Bão số 2 hình thành và phát triển trên biển Đông. Lúc đầu bão ở Hong Kong, Ma Cau, sau đó đi sang bán đảo Lôi Châu, qua đảo Hải Nam rồi vào phía bắc vịnh Bắc Bộ. Đây không phải là một cơn bão mạnh nhưng có nhiều cái lạ. Ví dụ như bão vào Hải Phòng, Thái Bình nhưng lại gây mưa to ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

. Trước khi bão đổ bộ, bản tin của trung tâm thường không nói cụ thể bão sẽ vào tỉnh nào. Chỉ sau khi bão đã vào bờ, trung tâm mới đưa ra thông tin quan trọng này. Vì sao vậy, thưa ông?

+ Việc dự báo bão đổ bộ vào đâu là hết sức khó khăn, chúng tôi không thể nói cụ thể bão sẽ đổ vào tỉnh nào nên chỉ có thể đưa ra dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nào. Quy chế dự báo bão lũ cũng nói rõ đài trung ương chỉ dự báo đến các khu vực, địa phương thì dự báo đến tỉnh mình. Tuy nhiên, đây cũng là một góp ý tốt và chúng tôi sẽ dần điều chỉnh trong các cơn bão kế tiếp.

Sáng 24-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đề xuất cần có những hình thức dự báo cập nhật hơn. Nếu không, có thể người dân ở địa phương có bão thấy bản tin chậm hơn so với cảm nhận của họ về bão.

. Xin cảm ơn ông.

Sau khi đổ bộ vào Hải Phòng, bão số 2 đã suy yếu nhưng sóng biển tại Cát Hải, Đồ Sơn vẫn khá lớn với cột sóng cao tới 4-5 m. Sóng đánh vọt qua bờ kè Gia Lộc, gây sạt lở thân và mặt kè. Nước biển tràn qua đê kè vào đảo Cát Hải gây ngập lụt cục bộ ở những vùng trũng. Huyện Cát Hải đã di dời 1.800 người dân tới nơi an toàn. Tại Đồ Sơn, nước biển dâng cao kết hợp mưa lớn gây ngập lụt tại một số khu vực. Sóng lớn đã đánh sạt một số đoạn kè và vỉa hè nằm sát mép biển. Tại khu vực nội thành, nhiều đoạn đường ngập sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông.

Chiều tối 24-6, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã có hai người ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An mất tích do lũ cuốn trôi. Hơn 1 vạn hecta lúa và hoa màu bị ngập. Hàng ngàn hecta nuôi trồng thủy sản bị thất thoát. Bão số 2 cũng làm bảy tàu thuyền bị chìm, hư hại 665 m đê biển.

NHÓM PV – CTV

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm