Sụp cầu Tân Kỳ - Tân Quý: Chỉ tại trời mưa!?

Sở GTVT vừa kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận, thống nhất với kết quả giám định về nguyên nhân xảy ra sự cố sụp cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) và cho tháo dỡ cầu cũ để xây cầu mới. Như vậy, mất hơn sáu tháng, nguyên nhân vụ sụp cầu mới được xác định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng còn nhiều vấn đề xung quanh sự cố chưa được làm rõ.

Chỉ có nguyên nhân khách quan

Theo Sở GTVT TP, căn cứ vào kết quả giám định (do Công ty CP Tư vấn thiết kế Toàn Cầu thực hiện), sự cố sụp cầu do hai nguyên nhân. Thứ nhất, cơn mưa lớn kéo dài trước thời điểm xảy ra sự cố sụp cầu làm cho lượng nước chảy qua khu vực cầu Tân Kỳ - Tân Quý tăng đột biến.

Nguyên nhân thứ hai được xác định là mố cầu M2 (phía gần QL1A) có cấu tạo trực tiếp trên đất tự nhiên với kết cấu là cát hạt mịn. Thời điểm xảy ra sự cố, mực nước kênh dâng cao (+2,74 m), mố cầu lại nhô ra so với dòng chảy là 4,81 m, làm cản trở dòng chảy. Theo đó, với tốc độ dòng chảy lớn hơn nhiều so với tốc độ cho phép (giới hạn không xói) đã làm xói lở cục bộ tại vị trí mố cầu M2, làm mất đi lượng đất nền, gây mất ổn định, làm mố cầu trượt về phía dòng kênh…

Theo đơn vị giám định, sự cố trên làm cho mố cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sụp, dẫn đến kết cấu nhịp bị sụp, tạo hàm ếch. Mặt cầu tại vị trí tiếp giáp giữa cầu và đường vào cầu (phía đường Mã Lò) xuất hiện vết nứt chạy ngang, có bề rộng 2-3 cm.

Cầu bị sụp, nứt sau cơn mưa lớn chiều 16-8-2016. Ảnh: Người dân cung cấp

Lực lượng chức năng dựng hàng rào cảnh báo và hướng dẫn người dân lưu thông hướng khác. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

“Quên” vụ hư hỏng do nạo vét?

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trước khi xảy ra sụp cầu vào tối 26-8-2016, mái taluy cầu Tân Kỳ - Tân Quý ít nhất từng hai lần xảy ra sự cố xói lở ở vị trí cống xả chảy ra kênh Tham Lương - Bến Cát (đầu cầu gần QL1A). Sự cố lần đầu xảy ra vào tháng 1-2016, gây sạt lở dưới đáy cống, tạo thành hố sâu. Sau đó, sự cố này được khắc phục bằng cách đóng cừ tràm bao quanh miệng hố và cửa xả. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2016, tại vị trí này lại tiếp tục xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho công trình.

Các văn bản của đơn vị quản lý cầu (Khu quản lý giao thông đô thị số 1, thuộc Sở GTVT TP) cho thấy nguy cơ sụp cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũng đã được liên tục cảnh báo trước thời điểm xảy ra sự cố. Cụ thể, theo xác định của Khu 1, dự án “Tiêu thoát nước và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên” do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư khi nạo vét lòng kênh, đoạn gần cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã không có phương án gia cố mố cầu hợp lý.

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sống gần cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũng xác nhận họ từng thấy nhiều vết nứt dưới chân cầu trước khi cầu xảy ra sự cố. Ông G,. nhà ở gần cầu (hiện nhà đã giải tỏa di dời), nói: “Nhìn những vết nứt, sụp dưới chân cầu tôi từng lo ngại có ngày cầu sụp. May mà hôm đó không có ai đi qua cầu”.

Một chuyên gia về lĩnh vực cầu đường cũng cho rằng nếu trước khi xảy ra sự cố, cầu đã bị hư hỏng thì phải làm rõ thêm tình trạng hư hỏng đó là do đâu. “Nếu xác định được là do nạo vét kênh nhưng không có phương án gia cố cầu thì các đơn vị liên quan cũng phải chịu một phần trách nhiệm” - vị này nói thêm.

Dù vậy, tình trạng hư hỏng ở cầu Tân Kỳ - Tân Quý không được Sở GTVT TP đề cập trong báo cáo vừa gửi cho UBND TP.

Nhiều hoạt động bị đình trệ

Tối 26-8-2016, mố cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sạt lở khiến phần mặt cầu bị sụt xuống, tạo thành hàm ếch với vết nứt khá lớn, kéo dài khiến cầu nghiêng hẳn sang một bên. Các phương tiện không thể qua lại.

Sự cố còn gây ảnh hưởng người dân đến giao dịch hành chính tại trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa do trụ sở nằm ngay cạnh cầu. Bến xe buýt Bình Hưng Hòa phải đổ khách nơi khác vì không thể qua cầu vào bến.

Theo người dân địa phương, cầu Tân Kỳ - Tân Quý có tải trọng năm tấn nhưng thường xuyên có xe tải nặng qua lại trên cầu. Chưa kể trước đó đã có phương tiện cơ giới xúc cạp đất hai mố cầu, nạo vét kênh Tham Lương - rạch Cát (chảy ngang cầu Tân Kỳ - Tân Quý).

A.DANH

Lo thủy văn bất thường gây nguy cầu cũ

Qua sự cố cầu Tân Kỳ - Tân Quý, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP cho đánh giá lại về khả năng khai thác của các cây cầu xây dựng trước năm 1975 hoặc xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cũ. Bởi hiện nay điều kiện thủy văn đã thay đổi nhiều do biến đổi khí hậu nên các loại cầu trên sẽ bị tác động, dễ xảy ra sự cố.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.