Tài xế lánh mặt, cảnh sát sẽ 'cùm' ô tô

Ngày 4-1, Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, cho biết hiện đơn vị vẫn chưa nhận được chỉ thị của UBND TP về việc cùm ô tô đậu đỗ tràn lan gây ùn ứ giao thông nên chưa có ý kiến về biện pháp này.

Cùm ô tô là biện pháp nghiệp vụ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, cho hay ở TP.HCM thì ông chưa nắm nhiều. Tuy nhiên, ở Hà Nội thì có nhiều tài xế ô tô đậu đỗ sai quy định. khi bị CSGT lập biên bản thì họ khóa cửa xe bỏ đi, thậm chí còn đỗ xe chéo đầu vào gốc cây để cho xe kéo của lực lượng chức năng không tiếp cận được.

“Dừng đỗ sai quy định dẫn tới ách tắc giao thông nên chúng ta cần ủng hộ theo hướng dùng các biện pháp hợp pháp để xử lý được các trường hợp cố tình như vậy” - ông Quân nêu quan điểm.

Một chuyên gia pháp lý (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng muốn xử phạt vi phạm hành chính thì trước tiên phải lập biên bản vi phạm. Với việc dừng đỗ ô tô không đúng nơi quy định thì việc lập biên bản vi phạm không dễ. Bởi vì khi lập biên bản mà người vi phạm không xuất hiện thì không lẽ cơ quan chức năng cử người canh, chờ người vi phạm xuất hiện?

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp cùm ô tô đậu đỗ sai quy định.

“Cách này không hiệu quả nên cần áp dụng biện pháp khác để tìm người vi phạm rồi lập biên bản để xử phạt. Vì vậy, việc khóa bánh xe, tháo biển số, cẩu xe… vi phạm là cần thiết để đảm bảo thực hiện xử phạt, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Nếu xem vậy thì các cơ quan chức năng có thể vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, thậm chí nghiên cứu đến việc tạm khóa tài khoản ngân hàng của người vi phạm hành chính… mà không phụ thuộc vào việc nghị định xử phạt có quy định hay không” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thiếu tướng Quân cũng nói: “Một số ý kiến cho rằng việc khóa bánh xe không được quy định trong văn bản luật hoặc cần ban hành thông tư hướng dẫn thì tôi cho rằng chưa cần thiết. Bởi pháp luật cho phép lực lượng chức năng dùng các biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm. Nó giống như bắt người phạm tội thì người ta có thể trói bằng dây, khóa bằng còng… Khi xử phạt, lực lượng chức năng sẽ có những cách cụ thể để đảm bảo cho việc xử phạt đó, chúng ta không thể quy định chi tiết từng cách một”.

Nhưng không nên tùy tiện áp dụng

Theo Thiếu tướng Quân, trong các trường hợp này, các lái xe đã cố ý vi phạm rồi bỏ đi để gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì vậy, anh không thể yêu cầu lực lượng chức năng tạo thuận lợi nhất cho mình được. Lực lượng chức năng không phải chịu trách nhiệm trước các hỏng hóc hoặc mất trộm trong thời gian xe bị khóa bánh và cũng không có nghĩa vụ trông giữ xe cho người vi phạm. “Khi tài xế xác định dừng đỗ ở đó và bỏ đi thì họ phải tính đến việc trông giữ xe của mình” - ông Quân nhận định.

Tuy vậy, tướng Quân cũng cho rằng chỉ trong những trường hợp cố tình mới áp dụng biện pháp khóa bánh xe chứ không nên áp dụng đại trà hoặc thái quá. Trường hợp tài xế chỉ mới dừng đỗ, lực lượng chức năng cần nhắc nhở là được. Hơn thế, ngoài CSGT thì có thể giao cho cảnh sát trật tự hoặc bảo vệ dân phố nhắc nhở người tham gia giao thông. Hoặc tốt hơn nữa, chính người dân trong khu vực là một kênh thông báo cho lái xe không vi phạm.

Chuyên gia pháp lý trên bổ sung: “Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ này cần đảm bảo đúng pháp luật và tránh sự tùy tiện. Do vậy, trước khi thực hiện cần có một quy trình thống nhất xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để tránh việc mỗi nơi mỗi kiểu”.

Vị này đề xuất có quy trình cụ thể về từng biện pháp cho các chủng loại ô tô và phù hợp với từng nơi. Ví dụ, tại TP.HCM thì tránh trường hợp là cùng vi phạm thì ở quận 1 tháo bánh xe, ở quận khác thì chỉ cần tháo biển số, chụp ảnh rồi mời chủ xe, rồi có nơi thì cẩu xe vi phạm… “Tôi cũng đề nghị cần cân đong đo đếm thêm về mặt tích cực và cả tiêu cực để thống nhất về chủ trương, chỉ đạo để khi thực hiện nhằm đảm bảo tổ chức thực thi” - vị này nói.

Cẩu xe vi phạm hoặc phạt nguội

Thông tin khóa bánh xe vi phạm tôi chỉ nắm qua báo chí chứ chưa nhận được chỉ đạo cụ thể.

Chúng tôi đang triển khai các biện pháp xử lý ô tô đậu đỗ sai quy định quyết liệt và hiệu quả. Theo đó, trong vòng 5-10 phút khi CSGT lập biên bản vi phạm xong mà chủ xe không đến thì chúng tôi sẽ huy động phương tiện chuyên dụng đến cẩu xe vi phạm đưa về đơn vị xử lý. Các đội CSGT Bến Thành và Bàn Cờ đang thực hiện các biện pháp này khá hiệu quả.

Chúng tôi còn chụp ảnh và thông báo về địa chỉ của chủ xe vi phạm để phạt nguội.

Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆP,
Phó Trưởng phòng PC67 TP.HCM

Cùm chưa đủ đô thì cẩu xe

Hành vi vi phạm hành chính có thể làm ảnh hưởng đến người khác nên điều này cần lưu ý khi xử lý vi phạm. Cụ thể, khi ô tô đậu ở trước nhà một người khác hay đậu ngay lối đi công cộng làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người thì nếu chỉ sử dụng biện pháp khóa bánh xe hay tháo biển số xe thì chiếc xe vi phạm này nằm ở đấy. Khi đó, việc gây ảnh hưởng đến người khác, làm mất trật tự an toàn giao thông vẫn còn.

Do vậy, nếu tài xế cố tình không ra mặt thì lúc này biện pháp cẩu xe đi nơi khác là cần thiết, là để hạn chế tác động tối đa đến đối tượng khác.

Một chuyên gia pháp lý đề nghị không nêu tên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm