Tăng giá để xóa nạn “khát” nước sạch ở TP.HCM

“Hiện nay, tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước của Sawaco đạt gần 90%. Trong năm nay, chúng tôi làm hết khả năng để 100% hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch và 100% hộ dân nông thôn có nước hợp vệ sinh để sử dụng” - ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM hôm 18-2.

Khó khăn nâng tỉ lệ dân dùng nước sạch

Theo quy hoạch cấp nước sạch của TP.HCM đến năm 2025, 100% hộ dân trên địa bàn sẽ được gắn đồng hồ, sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại rằng hiện TP còn rất nhiều nơi hiếm nước sạch, nếu ngay lập tức có nước hợp vệ sinh 100% liệu có quá lạc quan?

Những năm qua, Sawaco thực hiện nhiều biện pháp nâng tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch nhưng kết quả vẫn không cao. Năm 2013, tỉ lệ này chỉ là 2% (từ hơn 87% lên 89%). Cộng luôn số hộ dân sử dụng nước sạch của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thì gần 92% hộ dân ở TP.HCM có nước sạch. Theo ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, ở một số khu vực nội thị, số dân sử dụng nước sạch khá khiêm tốn. “Chưa đến 33% người dân ở quận 12 được cung cấp nước sạch, cá biệt phường Tân Chánh Hiệp chỉ 1,8%; Tân Thới Hiệp chỉ hơn 5% hộ dân có nước sạch. Tương tự, tỉ lệ này ở quận 9 là chưa đến 80%. Ở Cần Giờ dù hơn 99,5% người có nước sạch nhưng nhiều nơi vẫn còn bức xúc về nhu cầu nước” - ông Tuyến dẫn chứng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Trung An, cũng nhìn nhận: “Việc nâng tỉ lệ cấp nước sạch cho người dân quận 12 từ 33% lên 98% là công việc rất nặng nề”.

Hiện nhiều nơi đang “khát” và người dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao ngất. Ảnh: MP 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, lý giải: “Chỉ tiêu này không đồng nghĩa với việc 100% hộ dân được gắn đồng hồ nước trong năm. Ở những nơi nào người dân tập trung, điều kiện thuận lợi, Sawaco sẽ phát triển mạng lưới, kéo đồng hồ nước đến từng nhà. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng nhiều biện pháp đảm bảo đưa nước sạch đến tất cả hộ dân như gắn đồng hồ tổng, lắp đặt bồn nước giao địa phương quản lý hoặc vận chuyển bằng xe, xà lan đến những nơi chưa phát triển mạng… để hộ dân nào cũng có nước hợp vệ sinh để sử dụng”.

Để cấp nước sạch cần tăng giá nước

“Cuối năm nay Nhà máy nước Thủ Đức sẽ nâng công suất, bổ sung vào 300.000 m3/ngày. Cuối năm 2015, Nhà máy nước Tân Hiệp hoàn thành sẽ có thêm 300.000 m3/ngày nữa. Vào thời điểm này, tổng công suất cấp nước của hệ thống là 2,25 triệu m3/ngày nên có thể an tâm về nguồn nước. Tuy nhiên, để tiếp nhận và phân phối hết lượng nước trên đến người dân, cần phát triển trên 1.000 km đường ống cấp nước các loại với nguồn vốn khổng lồ” - ông Phú nói.

Cụ thể, Sawaco sẽ phải gắn thêm gần 94 km đường ống cấp 1, cấp 2 (đường kính 300-1.800 mm), gần 1.100 km đường ống cấp 3 (đường kính 100-300 mm) với tổng số vốn trên 4.500 tỉ đồng. Ngoài ra, hàng loạt dự án giảm lượng nước rò rỉ, xây các trạm cấp nước nông thôn, sửa chữa, cải tạo mạng đường ống hiện hữu cũng cần thêm hàng ngàn tỉ đồng đầu tư. Tuy vậy, Sawaco chỉ cân đối được 10% vốn cho việc phát triển ống cấp 1, 2; 30% vốn cho việc phát triển ống cấp 3… Vì vậy, công ty kiến nghị TP cấp ngân sách khoảng 1.658 tỉ đồng và cho Sawaco vay không lãi suất khoảng 100 tỉ đồng để đầu tư đường ống.

Đồng thời, Sawaco kiến nghị sớm tăng giá nước để có thêm nguồn thu. “Lộ trình tăng giá nước của UBND TP đã hết. Hiện giá nước mới đã được Sawaco xây dựng, đang được Viện Nghiên cứu và Phát triển TP thẩm định trước khi trình UBND TP xem xét trong quý I. Tuy nhiên, theo đề xuất, giá nước sẽ tăng không quá 10%” - ông Hải thông tin thêm.

MINH PHONG

Trong khi một số nơi khát nước sạch thì nhiều người dân chỉ gắn đồng hồ nước để làm… kiểng. Hiện có gần 55.500 đồng hồ chỉ số nước hằng tháng là 0 m3; gần 94.000 đồng hồ có lượng nước sử dụng hằng tháng 1-4 m3. Qua khảo sát, các hộ dân này đang sử dụng nước giếng. Đây là một nghịch lý, vì nhiều nơi có nhu cầu thì không có đồng hồ, trong khi ở đây được gắn lại không sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm