Thông báo xả lũ kiểu đối phó!

Ba ngày qua cuộc sống của hàng ngàn gia đình sống ven sông Ba thuộc các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa bị đảo lộn. Thông thường, thời điểm này đang là mùa kiệt nước của sông Ba nên nhiều người dân đổ ra sông dựng trại chăn nuôi, trồng trọt trên các cồn cỏ, doi đất. Thế nhưng dòng nước lũ bất ngờ cuồn cuộn đổ về, dâng ngập nhiều khu vực ven sông khiến hàng trăm người dân hoảng hốt tháo chạy, bỏ lại tài sản giữa dòng nước.

Hốt hoảng chạy lũ giữa mùa khô

Chưa hết bàng hoàng, ông Trần Văn Thuận (ngụ xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) kể: “Chiều 30-7, cha con tui đi trồng rau ở cồn đất giữa sông, khi về lội ra giữa dòng, nước chỉ quá đầu gối, nhiều chỗ ở lòng sông đất trơ lên khô khốc. Sáng 31-7, nước có lớn hơn chút ít. Thế nhưng sau đó nước bỗng đổ về ào ào. Nước đã ngập trắng hết các doi đất, tôi thất kinh như trong ác mộng”. Trong ngày 31-7, người dân ở nhiều ngôi làng ven sông thuộc các xã Hòa Bình 2, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Phú của huyện Tây Hòa dáo dác kêu la, gọi nhau đi đưa người vào bờ, cứu các đàn gia súc, gia cầm nuôi giữa sông. Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Hòa Phong nói: “Ngay giữa mùa khô mà nước lũ đổ về ào ào nên ai cũng bất ngờ. Tôi bức xúc quá hỏi mấy ông cán bộ xã thì cũng không ai biết thủy điện xả lũ”. Hầu hết người dân chúng tôi gặp ở các địa phương này đều nói rằng họ hoàn toàn không được thông báo thủy điện xả lũ. Ngay cả chính quyền địa phương cũng giật mình. Ông Trương Công Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: “Mãi khi nước lên, tôi cho anh em kiểm tra lại mới biết là thủy điện sông Ba Hạ xả lũ”.

Thông báo xả lũ kiểu đối phó! ảnh 1

Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ lúc tăng lưu lượng xả lũ lên 1.000 m3/giây chiều 31-7. Ảnh: TL

Tăng lưu lượng xả trước, thông báo sau

Sáng 2-8, ông Võ Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, giải thích: Do hồ thủy lợi A Zun Hạ ở Gia Lai xả lũ, cùng với lượng nước phụ lưu trên các lưu vực đổ về nhiều nên công ty bắt đầu xả lũ về hạ lưu sông Ba từ lúc 21 giờ ngày 30-7 với lưu lượng ban đầu 200 m3/giây. Sau đó, công ty này tăng lưu lượng xả lũ lên 600 m3/giây, cùng với lưu lượng nước xả vận hành nhà máy 400 m3/giây nên tổng lưu lượng xả lũ về hạ lưu gần 1.000 m3/giây, kéo dài trong 19 tiếng đồng hồ. “Lúc 15 giờ 56 phút ngày 3-7, chúng tôi đã fax bản thông báo xả lũ đầu tiên đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Phú Yên, sau khi mỗi lần tăng lưu lượng xả lũ, chúng tôi đều có thông báo cho tỉnh” - ông Tri nói. Tuy nhiên, ông Tri thừa nhận trong thông báo ban đầu, công ty dự kiến sẽ tăng cao nhất lên 500 m3/giây, tuy nhiên thực tế sau đó đã xả 600 m3/giây.

Trong khi đó, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên, khá bức xúc: “Ban đầu, công ty thông báo chỉ xả lũ 200 m3/giây. Tuy nhiên, sau đó họ tăng lưu lượng xả lũ rồi mới thông báo, làm vậy là không đúng quy định; lẽ ra họ phải thông báo sớm hơn để địa phương chủ động. Như sáng 31-7, họ đã xả 600 m3/giây thì mới thông báo chỉ xả 4003/giây”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lúc 22 giờ ngày 30-7, Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ đã tăng lưu lượng xả lũ lên 400 m3/giây nhưng đến 22 giờ 38 phút mới fax thông báo đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên. Sau đó, đến 23 giờ 30 công ty tăng lưu lượng xả lên 595 m3/giây nhưng đến 0 giờ 21 phút ngày 31-7 mới fax thông báo. “Tôi không ngờ họ xả lũ giữa mùa này mà lại tăng lưu lượng lên nhanh như vậy” - ông Trúc nói.

Lãnh đạo một số địa phương cho rằng chính việc thông báo xả lũ lưu lượng ít rồi bất ngờ tăng lên cao đã khiến chính quyền bị động và đa số người dân cũng không được thông báo việc xả lũ bất thường trên. Ông Trúc nói thêm: “Do ban đầu Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ thông báo chỉ xả 200 m3/giây, lại đang mùa khô nên các huyện đã chậm thông báo đến nhân dân”. Một cán bộ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Tây Hòa, thừa nhận: “Chúng tôi thấy sông đang cạn, nếu chỉ xả 200 m3/giây thì đâu có ý nghĩa gì nên đã không thông báo đến dân”.

Bất cập từ Quy trình vận hành liên hồ

“Chúng tôi đã xả lũ đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa” - ông Võ Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, đã khẳng định như vậy. Quy trình mà ông Tri nói đến là Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ, An Khê - Ka Nak do Thủ tướng ký ban hành tháng 9-2010. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà máy thủy điện trên sông Ba và chính quyền các địa phương điều hành, giám sát việc xả lũ.

Theo quy trình vận hành trên, trước khi vận hành cửa xả đầu tiên, các nhà máy thủy điện phải thông báo trước 2 tiếng đồng hồ đến Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Trung ương, UBND các tỉnh. Tuy nhiên, một số lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng khoảng thời gian này là quá ngắn để chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó. Trước đây, khi lấy ý kiến xây dựng quy trình này, lãnh đạo các tỉnh trên đã đề nghị tăng khoảng thời gian thông báo trước việc xả lũ lên 6 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện cho rằng khó thực hiện quy định về thời gian này do các hồ chứa còn phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng dự báo, lũ thượng nguồn đột ngột, tính an toàn của hồ chứa... Cuối cùng, các bộ liên quan đã thống nhất mức thời gian trên.

Quy trình vận hành liên hồ trên quy định: Trường hợp có thay đổi lưu lượng xả lũ thì phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quy trình vận hành không nói rõ thời gian thông báo trước (hoặc sau) ra sao; cũng không quy định giới hạn thời gian, mức độ giữa các lần tăng lưu lượng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một kẽ hở mà các nhà máy thủy điện đang lợi dụng. Họ có thể thông báo lưu lượng xả lũ ban đầu rất thấp để sau đó liên tục tăng nhanh với lưu lượng không có giới hạn và tất nhiên chính quyền các địa phương rơi vào bị động.

TẤN LỘC

Hiếm khi các nhà máy thủy điện xả lũ ngay giữa mùa khô và đây là một cảnh báo cho mùa mưa lũ năm nay. Điều lo ngại nhất là năm nay các công trình thủy điện trên sông Ba có thể đồng loạt xả lũ; trong đó nguy hiểm nhất là thủy điện An Khê-Ka Nak ở thượng nguồn. Nếu điều này xảy ra, Phú Yên sẽ đối mặt với những trận lũ lớn khó lường.

Ông BIỆN MINH TÂM, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm