Thông xe cầu Rạch Chiếc: Mở rộng cửa ngõ đông bắc

Từ 10 giờ 45 ngày 25-12, những dòng xe tải, xe khách và xe máy bắt đầu được lưu thông trên hai nhánh biên phải và trái của cầu Rạch Chiếc mới. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, đó là thời điểm đánh dấu cửa ngõ kinh tế, xã hội của TP ở hướng đông bắc chính thức được mở rộng.

“Cùng với việc hoàn thành toàn bộ công trình cầu Thủ Thiêm cách đây vài giờ, việc thông xe qua cầu Rạch Chiếc mới sẽ làm cho TP phát triển mạnh hơn, nối kết nhanh hơn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Nó còn tạo cú hích mạnh cho việc tăng tốc xây dựng khu đô thị mới, trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm. Khi nhận được thông tin hai công trình trọng điểm này sớm hoàn thành, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết với TP sẽ chính thức khởi công xây dựng nhiều công trình lớn tầm cỡ khu vực ở Thủ Thiêm vào đầu năm 2011” - ông Tài nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, Sở GTVT (đơn vị chủ đầu tư), hai nhánh biên của cầu Rạch Chiếc mới được hoàn thành trước kế hoạch hơn 3,5 tháng. Công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn chịu lực và chất lượng xây dựng. “Tới đây, các đơn vị chủ đầu tư, thi công, tư vấn giám sát… cam kết với Chính phủ và TP sẽ xây dựng nhánh cầu giữa sớm hơn thời gian dự kiến 22 tháng” - ông Thiết nói.

Thông xe cầu Rạch Chiếc: Mở rộng cửa ngõ đông bắc ảnh 1

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài… phát lệnh khởi công xây dựng nhánh giữa cầu Rạch Chiếc mới. Ảnh: L.ĐỨC

Thông xe cầu Rạch Chiếc: Mở rộng cửa ngõ đông bắc ảnh 2

Những dòng xe đầu tiên lưu thông trên nhánh cầu Rạch Chiếc mới (khi chiếc cổng chào chưa kịp dỡ xuống). Ảnh: L.ĐỨC

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc TP xây dựng nhanh, sớm đưa các công trình cầu, đường trọng điểm có chất lượng cao vào sử dụng không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn tạo ra năng lực và sức cạnh tranh của ngành xây dựng cầu, đường trong nước với các nước khác. Cũng theo phó thủ tướng, từ hai công trình trên, Chính phủ đánh giá cao mô hình chủ động sáng tạo về đầu tư xây dựng của TP.HCM. “Cách huy động nguồn vốn đa dạng (từ ngân sách, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước…); việc chọn lựa hình thức đầu tư phong phú (BT, BOT, BTO, BOO…); cách huy động các nguồn trí lực và lực lượng tại TP, trong cả nước và nước ngoài; biện pháp tổ chức thiết kế, thi công, giám sát… các công trình trên ở TP là những bài học lớn giúp Đảng, Chính phủ hình thành nên chiến lược đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông quốc gia trong những năm tới” - ông Hải nói.

Ông Nguyễn Thành Tài cho biết tới đây, tại cầu Rạch Chiếc mới sẽ xây dựng đài tưởng niệm những chiến sĩ, đồng bào hơn 35 năm trước đã hy sinh để giữ nguyên vẹn chiếc cầu cũ cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trước đó, tại lễ khánh thành toàn bộ công trình cầu Thủ Thiêm, ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1 - đơn vị chủ đầu tư), cho biết tới đây, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực giải quyết quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình. Song song, Khu 1 sẽ sớm nâng cấp, sửa chữa toàn bộ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và nghiên cứu dự án mở rộng đường Ngô Tất Tố, nối từ nhánh N4 của cầu Thủ Thiêm đến đường Điện Biên Phủ (giai đoạn một là nối tới đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) để tạo thành trục giao thông chính kết nối quận 1, Bình Thạnh với quận 2.

Vài nét về cầu Rạch Chiếc mới

- Dài 735 m, chiều rộng hoàn chỉnh 48 m cho 10 làn xe.

- Cao 6 m với khoang thông thuyền 40 m, nhằm phục hồi hoạt động của tàu thuyền qua Rạch Chiếc, nối với sông Sài Gòn.

- Tổng mức đầu tư: 1.010 tỉ đồng, được huy động BT từ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TP (CII).

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm