Thương vong còn hơn cả chiến tranh!

So với cùng kỳ năm trước, tuy số vụ TNGT giảm nhưng số người chết lại tăng 2,1%. Giao thông ở Việt Nam còn gây thương vong nhiều hơn cả dịch bệnh (bao gồm cả đại dịch HIV-AIDS). Thậm chí số người chết do TNGT ở nước ta còn nhiều hơn cả số thương vong chiến tranh, xung đột khắp nơi trên thế giới gây ra trong một năm.

Đây là một thống kê đau lòng và là tiếng chuông cảnh tỉnh về ý thức và trách nhiệm.

Chiều và tối 12-12 đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, một xảy ra tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cướp đi sinh mạng của 2 người; một vụ khác xảy ra trên xa lộ Hà Nội (TP. HCM) cướp thêm sinh mạng của một thanh niên quê ở Sóc Trăng. Xe lao xuống vực, đâm nhau, va quệt, thương vong và chết chóc… chuyện này đã trở thành quen thuộc với xã hội, đến mức nhiều người không còn cảm thấy đó là điều bất thường nữa.

Thương vong còn hơn cả chiến tranh! ảnh 1

Vụ tai nạn tàu hỏa đụng ôtô chở đám hỏi khiến 10 người thiệt mạng

Đó là chuyện có thể hiểu được nhưng lại không thể chấp nhận được bởi bình quân mỗi ngày trong 10 tháng của năm nay, trên cả nước xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 21 người. Mỗi tháng lại có trên 1.000 vụ TNGT xảy ra, số người chết vì TNGT tính đến hết tháng 10 đã là 9.371 người. Đó là chưa kể trên 6000 người khác bị thương. Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng chắc chắn con số thương vong này lớn hơn số nạn nhân của các cuộc chiến tranh, xung đột trên khắp thế giới trong 10 tháng qua.

Cuộc sống đã vĩnh viễn khép lại và thay đổi hoàn toàn đối với không chỉ những nạn nhân trực tiếp của TNGT. Đời sống và tương lai của thân nhân họ cũng sẽ thay đổi hoàn toàn, chủ yếu là theo hướng xấu đi. Hẳn mọi người còn nhớ, nỗi đau đớn và day dứt của một chú rể ở Hà Nội khi chiếc xe đưa người thân đi dự đám hỏi của mình đã đâm vào tàu hỏa (cuối tháng 11 vừa rồi), gây ra đám tang của 10 người. Rồi mọi người sẽ dần quên đi câu chuyện đau lòng này nhưng nó sẽ sống mãi với đôi vợ chồng trẻ này, cho dù họ không gây ra tai nạn.

Một lần nữa chúng ta lại phải nói đến ý thức và trách nhiệm.

Sẽ là không quá nếu nói ý thức giao thông của nước ta thuộc hàng thấp nhất thế giới. Chúng ta đã nói quá nhiều về thói vô tổ chức, coi thường pháp luật của nhiều người khi tham gia giao thông. Phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn, xô đẩy, sẵn sàng lao vào đánh chửi nhau khi có va chạm là những hình ảnh đã quá quen thuộc trên đường, mỗi ngày, ở mọi nơi. Văn hóa giao thông quá thấp đã góp phần không nhỏ gây ra tỷ lệ thương vong do TNGT ở Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới!

Điều đáng buồn là ý thức giao thông thấp không chỉ có ở dân thường mà cả cán bộ, trong đó có những người làm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự giao thông. Xin nêu một ví dụ: Trong tháng 11 vừa rồi, một cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã bỏ chạy sau khi gây tai nạn giao thông ở ngay trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội).

Pháp luật về giao thông có thể nói là khá đầy đủ và hoàn thiện. Để lập lại được kỷ cương giao thông thì biện pháp hiệu quả nhất, cấp thiết nhất hiện nay là thực thi luật pháp. Nếu mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật, không ai có thể đút lót, chạy chọt, xin xỏ, nhờ vả được khi vi phạm, thì cũng rất ít người dám vi phạm. Ai có thể giữ kỷ cương pháp luật về giao thông nghiêm ngoài lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông?

Câu hỏi trên lại đặt ra vấn đề về trách nhiệm.

Nếu đã có thể liệt kê được những nguyên nhân khiến thương vong do TNGT cao thì cũng không khó gì để quy trách nhiệm cho từng nguyên nhân. Vẫn biết trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của từng công dân, mọi tổ chức và toàn xã hội nhưng vẫn phải xác định được người, cơ quan chịu trách nhiệm chính. Người ta sẽ rất dễ nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi nếu không phải nhận những chế tài nghiêm khắc và không chịu sự giám sát khắt khe, sát sao của các cơ quan chức năng và công luận.

Để góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm đối với hiện tượng thương vong do TNGT vẫn còn rất cao thì truyền thông phải mạnh hơn, hiệu quả hơn. Truyền thông cụ thể, chi tiết, cận cảnh, liên tục về các vụ tai nạn giao thông, số phận các nạn nhân, thân nhân của họ sẽ tác động rất sâu sắc vào ý thức của con người, giúp tham gia giao thông một cách có trách nhiệm hơn.

Cuối cùng, dù không muốn, vẫn lại xin được nhắc lại chuyến đò tang tóc ở Quảng Bình chiều 30 Tết năm Mậu Tý (2008), cướp đi sinh mạng của 42 người đang háo hức về nhà đón xuân. Cuối năm, khi nhu cầu đi lại tăng lên thì nguy cơ về TNGT cũng tăng theo. Mong sao mỗi chuyến đi của mọi người là những chuyến đi bình an, hạnh phúc.

Theo PHẠM MẠNH HÙNG (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm