Tiểu thương thờ ơ bảo hiểm cháy nổ

Thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy chợ trên khắp cả nước và vụ nào cũng gây thiệt hại tiền tỉ (riêng vụ cháy chợ Quảng Ngãi vừa qua gây thiệt hại đến 200 tỉ đồng). Tuy đã có không ít người trắng tay vì cháy chợ nhưng việc mua bảo hiểm tài sản nhằm giảm thiểu rủi ro vẫn chưa trở thành thói quen của các tiểu thương.

Tiểu thương không mua

Ngày 20-2, khi đặt câu hỏi về việc mua bảo hiểm tài sản, chúng tôi nhận được rất nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của tiểu thương chợ An Đông (quận 5). Mặc dù phóng viên đã giải thích không phải là nhân viên bán bảo hiểm nhưng chủ sạp vải Tuyết Hồng vẫn nói: “Tôi không thích mua là không thích mua. Không có lý do gì hết”. Một tiểu thương cho biết thêm: “Chị coi cả chợ có ai mua bảo hiểm đâu mà hỏi tôi mua hay không. Tôi sẽ chỉ mua bảo hiểm khi thấy mọi người mua”.

Tại chợ Bình Tây, chúng tôi cũng nhận được những cái lắc đầu và câu trả lời: Không thấy ai mua nên bản thân cũng không mua. Chị Bảo Trâm, chủ sạp vải Bảo Trâm, cho hay tâm lý mọi người khi nghĩ đến cháy chợ là “may nhờ, rủi chịu”. Cũng theo chị Trâm, từ trước tới nay chưa thấy công ty bảo hiểm nào đến chào bán hoặc giải thích cho tiểu thương hiểu lợi ích của việc mua bảo hiểm hàng hóa.

Các tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình lại có nhiều băn khoăn khi nhắc tới việc mua bảo hiểm tài sản. “Trước giờ tôi không nghĩ đến chuyện này nhưng vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi đã khiến tôi phải suy nghĩ lại. Điều tôi băn khoăn nhất là công ty nào sẽ bán bảo hiểm? Liệu chúng tôi có thể tin tưởng họ được không?” - chị Lương Thị Ngọc Vân, chủ sạp hàng áo quần Thanh Y, bày tỏ.

Tiểu thương thờ ơ bảo hiểm cháy nổ ảnh 1

Việc mua bảo hiểm tài sản nhằm giảm thiểu rủi ro vẫn chưa trở thành thói quen của các tiểu thương. (Ảnh chụp tại chợ Bình Tây, TP.HCM) Ảnh: HTD

Doanh nghiệp cũng ngại bán

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện tâm lý của tiểu thương và mức phí bảo hiểm cao đang là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. “Thường sau khi xảy ra một vụ cháy chợ các tiểu thương mới nghĩ đến bảo hiểm chứ trước đó chẳng ai quan tâm. Còn mức phí cao là do việc bán bảo hiểm tài sản cho các tiểu thương có độ rủi ro lớn” - ông Lộc nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Năng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, lại cho rằng hiện mức phí bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương chưa phải cao. Ví như một gian hàng được định giá 1 tỉ đồng, tiểu thương chỉ phải đóng mức phí khoảng 1-2 triệu đồng/năm. Rào cản lớn nhất ở đây chỉ là tâm lý của tiểu thương. “Khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhiều tiểu thương chỉ nghĩ đến việc sẽ được lợi gì trước mắt, trong khi thực tế bảo hiểm chỉ có tác dụng khi có tổn thất xảy ra. Nhiều người do chưa thấy được cái lợi lâu dài như thế nên phớt lờ, không muốn mua bảo hiểm” - ông Năng nói.

Bàn về vấn đề này, phó giám đốc một công ty bảo hiểm (đề nghị không nêu tên) cũng thừa nhận công ty không mặn mà việc bán bảo hiểm hàng hóa cho tiểu thương. Nguyên nhân là do rủi ro và khả năng thua lỗ quá lớn. “Nhiều chợ ở Việt Nam chưa tuân thủ tốt an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Thêm nữa, rất khó chứng minh tài sản thực tế của tiểu thương là bao nhiêu do nhiều người không có chứng từ nhập kho, xuất kho. Vì thế chúng tôi hiện chủ yếu chỉ bán bảo hiểm cơ sở vật chất cho các ban quản lý chợ” - vị này lý giải.

Theo ông Năng, để tiểu thương có thói quen mua bảo hiểm tài sản, rất cần Nhà nước có sự hỗ trợ bằng cách tuyên truyền để họ thay đổi nhận thức. “Các vụ cháy chợ thường gây thiệt hại lớn nhưng việc đưa bảo hiểm tài sản cho tiểu thương vào diện bắt buộc lại rất khó. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của tiểu thương về bảo hiểm tài sản. Có như vậy, tài sản của họ mới được đảm bảo” - ông Năng nói.

Phí bảo hiểm phụ thuộc vào ý thức PCCC

Theo Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, phí bảo hiểm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một điều chắc chắn là trên bình diện số đông, phí này phải đủ để bù đắp cho những thiệt hại mà không may một khách hàng gánh chịu. Bên cạnh đó, còn một loạt các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến việc tính phí bảo hiểm như điều kiện PCCC, thực trạng xây dựng của chợ, ý thức từng hộ kinh doanh, vai trò trách nhiệm của ban quản lý chợ…

Bảo hiểm nông nghiệp hiện đang là bảo hiểm bắt buộc nhưng thực tế các doanh nghiệp hiện cũng rất khó bán, dù Nhà nước đã có hỗ trợ về mức phí. Tâm lý hiểu chưa thấu đáo về bảo hiểm của người Việt Nam hiện vẫn là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông NGUYỄN THẾ NĂNG, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty
Cổ phần Bảo Minh

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.