Tuyến xe buýt Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn còn xe “dù”

Không bắt được khách, dùng trò dằn mặt

Theo các tài xế, kiểm soát vé của các xe buýt chạy tuyến 11, các xe buýt dù (khoảng hơn 40 chiếc) đều được sơn màu giống xe buýt thật nên chỉ cần gắn thêm bảng hiệu “Buýt 11”, “Buýt 603” (tuyến Nhơn Trạch-Miền Đông) nữa thì người đi đường khó nhận biết được.

Anh T., tài xế của Hợp tác xã (HTX) xe buýt Hiệp Yến chạy tuyến 11, cho biết một số xe buýt dù thực chất là các xe chạy tuyến cố định Bến xe Miền Đông-Long Hải, Bến xe Miền Đông-Vũng Tàu và ngược lại. Khi xe về đến ngã ba Vũng Tàu, họ treo tấm bảng “Buýt 11” lên đằng trước rồi thoải mái bắt khách dọc đường.

“Nếu hành khách nào rành về giá xe buýt, họ sẽ lấy bằng hoặc cao chút đỉnh. Còn người nào không biết sẽ bị các xe này lấy giá gần gấp đôi. Có khi do không bắt được khách, các buýt dù chạy vượt lên, lạng lách không cho xe chúng tôi chạy lên...” - anh T. cho biết.

Tuyến xe buýt Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn còn xe “dù” ảnh 1

Xe buýt của HTX Hiệp Yến thường bị xe buýt “dù” cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ảnh: V.THUẬT

Đến nay, anh Nguyễn Quyết Chiến, tài xế HTX Hiệp Yến, vẫn còn đau ở vùng mặt sau khi bị đánh hội đồng. Cách nay mấy tháng, khi xe buýt anh Chiến lưu thông về đến thị xã Bà Rịa, có bốn thanh niên bước lên xe và bất ngờ ập đến đánh anh Chiến túi bụi. Hậu quả, anh Chiến phải khâu đến bảy mũi ở môi, mắt bầm tím, quai hàm bị sưng.

“Cánh tài xế bọn tui thường dặn nhau đừng tranh giành khách với các xe buýt dù vì còn làm ăn lâu dài. Có thể lúc đó anh em cung cấp thông tin xe buýt dù cho báo chí nên chúng mới đánh dằn mặt như vậy” - anh Chiến cho biết.

Cũng theo anh Chiến, từ năm 2008 trở về trước, xe HTX của anh mỗi khi về đến địa phận Bà Rịa thường bị ném đá vỡ kiếng. “Anh em nói là chỉ vì khách không chịu lên các xe buýt dù nên chúng mới làm thế để dằn mặt. Nhưng nếu chúng tôi không đón khách, ban điều hành biết được thì càng mệt hơn” - anh Chiến than thở.

Chưa có biện pháp căn cơ

Ngày 25-11, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đồng Nai) đã ra quân xử phạt các xe buýt dù. Sau đó, tình hình xe buýt dù có giảm đáng kể nhưng vẫn còn hơn chục chiếc đang hoạt động lén lút với các chiêu đối phó mới.

Cụ thể, vào sáng sớm, các xe này vẫn treo bảng “Buýt 11” và bắt khách từ Vũng Tàu về đến ngã ba Nhơn Trạch trên quốc lộ 51. Tại đây, họ tháo bảng “Buýt 11” và treo bảng “Buýt 603” lên để bắt khách tiếp. Khi đến những khu vực dễ có lực lượng liên ngành, họ lại tháo biển xuống. Theo cánh tài xế xe buýt, khoảng 6 giờ sáng hằng ngày họ thường thấy các xe buýt dù dừng trước nhà máy Vedan. Còn chiều từ Biên Hòa về Vũng Tàu, khi xe vừa qua khỏi Long Thành, các buýt dù tiếp tục treo bảng “Buýt 11” để bắt khách.

Ông Dương Mạnh Hưng, Quyền Chánh Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai, cho biết trong những ngày ra quân, các thanh tra viên đã lập biên bản xử phạt hành chính hai xe buýt dù. Tuy nhiên, ông chưa hề nghe tổ công tác báo cáo về những cách đối phó mới vừa nêu.

“Những ngày tới, chúng tôi sẽ cử lực lượng đi sớm hơn để xử lý các xe này” - ông Hưng cho biết. Cũng theo ông Hưng, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản nhờ thanh tra Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp xử phạt các xe này.

Một cán bộ trong Ban Chủ nhiệm HTX xe buýt Hiệp Yến cho rằng trong các đợt ra quân xử phạt hành chính thì xe buýt dù tạm lắng là hiển nhiên. Còn để dẹp được triệt để xe buýt dù, các đơn vị quản lý cần có chính sách, phương án cụ thể để đưa họ vào một đầu mối hoạt động ổn định.

“Một số chủ xe buýt dù từng gặp tôi trình bày nguyện vọng muốn vào HTX để hoạt động ổn định và lâu dài. Nhưng để làm được việc đó, chúng tôi phải xin ý kiến xã viên. Nếu các xã viên phản đối thì ban chủ nhiệm cũng chịu vì điều đó liên quan đến quyền lợi tập thể” - ông này phân trần.

VĂN THUẬT - THIÊN TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm