Xây đại lộ ven sông Sài Gòn: Nên đấu thầu công khai

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu nghiên cứu, đề xuất, được Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM ủng hộ đang có nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần là sự lo ngại từ phía các chuyên gia, trong đó nhiều vấn đề được đặt ra như lợi ích cuối cùng của dự án thuộc về ai, tác động môi trường và bài toán kinh tế.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM:

Coi chừng bức tử một đoạn sông

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA

Trước tiên, nếu làm dự án này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Người dân, nhà đầu tư sẽ có lợi ích gì? TP có kiểm soát được các vấn đề xung quanh dự án hay không? Theo tôi thấy, tận dụng bãi bồi làm đại lộ ven sông chắc chắn phải làm kè, vậy điều gì sẽ xảy ra ở phía bờ đối diện? Tính chất cơ bản của sông bao gồm bên lở và bên bồi. Nếu một bên làm kè và khai thác thì bên còn lại có thể xảy ra xói mòn. Cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm, điều này đã được tính toán trong dự án hay chưa? Nếu làm không kỹ, coi chừng chúng ta sẽ bức tử một đoạn sông Sài Gòn.

Đại lộ này dài tới 64 km, cảnh quan dọc bờ sông cũng phải được hoàn thiện. Rồi có hay không câu chuyện tận dụng ranh giới để hình thành dải công trình thương mại (các dự án BĐS) dọc bờ sông. Cũng cần lưu ý, nếu giải phóng mặt bằng thì dự án tái định cư sẽ ra sao?

Tôi đánh giá khả năng thành công của dự án này rất thấp. Nếu TP quyết định làm thì nên lưu ý những điểm sau: Cần tham khảo ý kiến người dân, đánh giá chi tiết dự án, tác động về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường và bài toán liên quan đến kinh tế: Đổi đất lấy hạ tầng. Đừng để sau này phải nói đi nói lại câu “không thể lường trước được”. Hoặc có khả năng xảy ra trường hợp sau khi dự án hoàn thành: Nhà đầu tư hưởng lợi, người dân gánh chịu hậu quả và TP là người đi gỡ rối.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã khai thác bờ sông rất tốt. Để tránh các rủi ro và được tư vấn tốt hơn, TP nên mời các chuyên gia có kinh nghiệm để phản biện về dự án.

Nếu làm đại lộ ven sông thì phải trả lời được câu hỏi người dân được lợi gì. 

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Phải có tầm nhìn về giao thông thủy

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

TP có nhà đầu tư xây đường là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, làm đường ven sông có hai dạng: tuyến đường cảnh quan ven sông và đường kết nối giao thông ven sông. Tuyến đường cảnh quan ven sông cách 50-100 m so với bờ sông, đường kết nối giao thông ven sông thì ở xa bờ, cách ít nhất 400 m so với bờ sông. Dự án này thuộc dạng làm đường kết nối giao thông nên sẽ ngăn cách đô thị với sông.

Ngoài ra, nếu quy hoạch khu đô thị ven sông thì không được cao tầng hóa quá nhiều, vì nếu cao tầng dọc theo đại lộ thì sẽ hình thành bức tường bê tông dọc theo sông. Phải để dòng sông thở và chỉ quy hoạch theo từng cụm. Bản chất của đô thị TP.HCM là đô thị sông ngòi nên quy hoạch phải có tầm nhìn vững về giao thông thủy và thoát nước. Khi làm chắc chắn phải có nhiều cầu, cống để kênh rạch có nơi đổ nước về.

TS VÕ KIM CƯƠNG

TS VÕ KIM CƯƠNG, cựu Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

Chống ngập sẽ ra sao?

Về quan điểm đổi đất lấy hạ tầng như hiện nay cũng có nhiều lo ngại và gây ra thắc mắc cho người dân.

Một dự án liên quan đổi đất lấy hạ tầng thì khá phức tạp nên phải tính toán hợp lý khi dự án đổi rất nhiều đất cho nhà đầu tư.

Thật ra không hẳn BT (xây dựng-chuyển giao), chúng ta có thể tính toán đến BOT hoặc đưa dự án ra đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Theo tôi, nếu mở được con đường đó là quá tốt nhưng cần lưu ý như dòng sông bên lở bên bồi, phương án kỹ thuật được đưa ra như thế nào, kết hợp với các dự án chống ngập ra sao…

PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM:

Mở thầu chọn nhà đầu tư để hạn chế rủi ro

PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Về mặt ý tưởng, đồng ý là ý tưởng của nhà đầu tư nhưng sản phẩm của ý tưởng đó là tài sản công, vậy nên khi thực hiện thì phải theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Cần thấy rằng nhà đầu tư đưa ra dự toán cả về con số và số đất đổi… nên chúng ta phải đánh giá, thẩm định dự toán này một cách chính xác.

Câu chuyện về vốn, dù số vốn lớn nhưng trong hồ sơ nhà đầu tư phải luôn có các minh chứng về khả năng tài chính. Bên cạnh đó, việc đổi đất lấy hạ tầng cần các giải pháp và tính toán để TP và người dân không chịu thiệt, tất nhiên bên cạnh đó là hài hòa lợi ích nhà đầu tư. Cách tốt nhất là phải đấu thầu công khai, mở thầu chọn nhà đầu tư để hạn chế rủi ro.

Giao nhà đầu tư tương đương 5% đất TP.HCM

Đầu năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất thực hiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn bằng hình thức BT, tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Chiều dài khoảng 64 km. Chiều rộng mặt đường đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp là sáu làn xe; đoạn qua quận 12 đến huyện Hóc Môn và Củ Chi lúc đầu dự tính bốn làn xe nhưng gần đây đưa lên sáu làn cho đồng bộ với đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Tốc độ lưu thông toàn tuyến 80-100 km/giờ. Khi thực hiện, TP phải giao cho nhà đầu tư gần 12.400 ha, tương đương khoảng 5% diện tích TP.

Tháng 10-2017, Bộ KH&ĐT có văn bản nêu ý kiến TP cần yêu cầu Tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu như chứng minh năng lực, kinh nghiệm. Tháng 11-2017, Bộ GTVT có văn bản góp ý gửi Sở KH&ĐT TP. Theo đó, các nội dung chi tiết của hồ sơ đề xuất cần rà soát, hoàn chỉnh thêm về giao thông như lưu lượng xe, các phương án kết nối các tuyến… Bộ GTVT cũng đồng ý với quan điểm của Bộ KH&ĐT về tính khả thi trong việc bố trí quỹ đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm