Xe buýt... trung thực

Xe buýt... trung thực ảnh 1

 Hành khách “tự phục vụ” khi đi xe buýt 152 - Ảnh: N.NAM

Đó là mô hình đang thử nghiệm để tiến tới trang bị hệ thống bán vé tự động trên tất cả các xe thuộc các tuyến xe buýt còn lại của Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ quen ngay và hình thức sử dụng dịch vụ công cộng này cũng bộc lộ những thói quen chưa tốt ở một số người đi xe buýt.

Xe buýt không tiếp viên

Trên xe buýt, khi thấy tôi cứ chăm chú ngồi nhìn chiếc thùng sắt đựng tiền, phía trên thùng đặt một xấp vé cho khách tự xé, bác tài chỉ nhắc nhở: “Anh này mua vé chưa?”. Bởi hành khách chỉ cần đọc nội dung hướng dẫn được dán bên cạnh (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) là biết hình thức “tự phục vụ”. Theo đó, khách lên xe phải bỏ tiền vào thùng rồi xé một tấm vé. Ai dùng vé tháng thì xé một vé tháng bỏ vào thùng đựng tiền, rồi xé lại một vé trong tập vé đặt trên thùng đựng tiền giữ để kiểm soát.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp như một nữ hành khách trung niên lần đầu tiên đi chưa quen, được hướng dẫn mới hiểu. Một khách khác chưa chuẩn bị sẵn tiền lẻ nên bác tài phải đổi giùm rồi mới tự mua được vé. Bác tài vừa cầm lái vừa đếm tiền thối làm nhiều hành khách hơi lo. Theo một nam sinh viên đi xe: “Tôi nghĩ đi xe buýt không có tiếp viên bán vé như thế này sẽ tránh được chuyện tiếp viên phân biệt đối xử với người đi vé tháng và những chuyện không hay giữa tiếp viên với khách cũng sẽ không còn xảy ra nữa”.

Ông Phạm Đình Thi - giám đốc Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn - cho biết: “Đây chỉ là mô hình thử nghiệm để hành khách quen dần với cách đi xe buýt mua vé tự động nên còn nhiều cái chưa thuận tiện. Cuối tháng 1-2010, chúng tôi sẽ nhập về các thùng bán vé và thối tiền tự động, khi đó sẽ thuận tiện hơn cho cả tài xế và khách”.

Trông chờ khách tự giác

Đi “xe buýt tự giác” điều rất cần là phải có tính tự giác của hành khách. Nhưng “cuối ngày kiểm tra lại số vé bán ra với số tiền nhận lại thì hao hụt là chuyện bình thường” - kiểm soát viên Phạm Thế Dũng cho biết. Anh Dũng kể nhiều khách vo tiền lại thành một cục bỏ vào, có người thả vào một nắm tiền xu rồi xé vé. Khi về đổ tiền ra đếm lại thì cục tiền tròn vo chỉ là 2.000 đồng; có người thay vì bỏ tiền thì bỏ vào đó... vài tờ vé số cũ. Anh Dũng than: “Đủ kiểu ăn gian!”. Đó là điều đang làm nhà xe lo lắng.

Còn những lúc có nhiều khách lên xe cùng một lúc thì khó kiểm soát được ai đã mua vé và ai chưa mua, nên “cái chính là khách phải tự ý thức và trung thực, chứ chúng tôi không kiểm tra khách đã bỏ tiền vào đủ hay không” - anh Dũng nói. Các kiểm soát viên sẽ được bố trí trên mỗi xe buýt tuyến 152 để hướng dẫn hành khách quen dần với cách đi “xe buýt văn minh” này trong vòng hai tháng. Sau đó trên xe còn có tài xế, hành khách và sự tự giác.

Nhiều hành khách trẻ tỏ ra rất ủng hộ loại hình xe buýt này. Và các bạn cũng góp ý thêm cho dịch vụ hay hơn. Bạn Phương Thảo, sinh viên năm 3 ĐH KHXH&NV TP.HCM, nói: “Về lâu dài, khi ý thức người dân được nâng cao, tôi nghĩ không cần phải bán vé nữa, khách chỉ cần tự giác bỏ tiền vào thùng, để công ty vận tải tiết kiệm tiền in vé và chi phí trả cho nhân viên bán vé, kiểm soát viên. Điều này rất tốt, phù hợp với đời sống văn minh”.

Còn ông Phạm Đình Thi cho biết: “Sau khi làm xong tuyến xe buýt 152, chúng tôi sẽ đặt hệ thống bán vé tự động trên tất cả các xe của các tuyến còn lại. Trong thời gian đầu có thể số tiền thu lại thấp hơn giá trị của lượng vé bán ra nhưng chúng tôi cũng chấp nhận chịu lỗ và tin rằng sau một thời gian, khi người dân đã quen thì việc đi xe buýt sẽ văn minh hơn. Chuyện đi xe buýt kiểu này nhiều nước đã làm thành công rồi, giờ chúng ta phải làm, chẳng lẽ cứ chịu lạc hậu mãi”.

Theo NGUYỄN NAM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm