Bệnh do ăn nhiều muối

Natri là một trong những chất điện giải cơ bản trong cơ thể. Thế nhưng sử dụng quá nhiều muối ăn cũng không tốt, chúng có thể là nguyên nhân khiến ta mắc bệnh.

Bệnh do ăn nhiều muối ảnh 1

Bệnh từ miệng

Một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết người Việt đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 đến 22 g/ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5 g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3-4 lần. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh sau đây:

Yếu xương: Trong thành phần của muối, natri chiếm tới 40%. Việc hấp thu quá nhiều natri mỗi ngày khiến cơ thể bài tiết một lượng lớn canxi, đe dọa đến tỉ trọng và sức khỏe của xương cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Dẫn đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tăng nguy cơ ung thư dạ dày: Những người có thói quen ăn quá mặn có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gần gấp đôi so với những người ăn uống bình thường. Ở những người thường xuyên kết hợp ăn mặn với ăn chua, cay và uống nhiều bia, rượu thì nguy cơ này còn cao hơn.

Rối loạn cấu trúc ADN: Nếu bị cơ thể tích trữ quá nhiều, muối ăn sẽ phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Suy thận: 70% số bệnh nhân sỏi thận có thói quen ăn mặn hơn nhiều lần so với những người khác. Các nghiên cứu khoa học thấy rằng chất natri có tác dụng giữ nước nên ngoài việc làm giảm sự thải các độc tố của cơ thể qua đường bài tiết, nó còn giữ lại các chất vôi và cặn cứng lâu ngày sẽ dẫn đến lắng đọng sỏi.

Tăng nguy cơ tăng huyết áp và tai biến mạch máu não, suy tim: Yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch máu não là tăng huyết áp. Các nghiên cứu đều thấy mức huyết áp tăng lên song song với nguy cơ các bệnh tim do mạch vành và tai biến mạch máu não. Những người thường xuyên ăn mặn sẽ dễ mắc bệnh tăng huyết áp, đó là vì chất natri sẽ hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp trong khi lượng nước và áp suất lại tăng lên.

Tăng nguy cơ bị stress: Nếu lượng muối trong các bữa ăn vượt quá tỉ lệ cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ bị stress, đó là vì natri sẽ làm tăng số lượng tế bào não nhận hormone norepinephrine - hormon truyền các tín hiệu thần kinh từ não tới tim (làm tim đập nhanh hơn), tới hệ tiêu hóa (làm cho mọi cơ quan tạm ngừng quá trình tiêu hóa) và tới các mạch máu (làm các mạch máu bị co thắt lại)… gây cảm giác lo lắng, hoảng sợ và dễ cáu gắt.

Chế độ ăn giảm muối

Trong nội dung dự án Giảm muối ăn trong phòng chống bệnh mãn tính không lây do WHO đưa ra và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM triển khai tại TP.HCM, khuyến nghị: Tổng lượng muối ăn (muối, muối tiêu, muối ớt, muối tôm, bột nêm, bột ngọt…) nên dưới 5 g/ngày (ít hơn một muỗng cà phê).

Để thực hiện điều đó, cần giảm phân nửa lượng muối và gia vị trong bữa ăn hằng ngày. Tránh lạm dụng muối trong bảo quản và chế biến các món ăn. Tăng cường chế biến thức ăn từ thực phẩm tươi thay vì dùng thực phẩm đóng hộp, đã qua chế biến (như jambon, xúc xích, chả lụa, dưa - cà muối, thịt muối, cá khô…). Giảm các loại thức ăn vặt (snack) chứa nhiều muối như hạt dẻ, đậu phộng rang muối, phồng tôm… Giảm dùng xì dầu, xốt mayonnaise.

Các loại thức ăn ở nhà hàng có thể chứa nhiều muối nên khi ăn cần hạn chế thêm muối. Tránh thức ăn nhanh như bánh pizza, bánh mì kẹp thịt (hamburger) và khoai tây chiên; những loại nước ngọt có gas, các loại bia. Bột nở, bột nổi, loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri, vì vậy nên hạn chế.

Song song đó, tăng cường ăn rau và hoa quả để tăng lượng kali vốn có tác dụng giảm tăng huyết áp.

NHẬT LINH (Theo Sức Khỏe & Đời Sống, tài liệu TT DD TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm