Nhiều doanh nghiệp xả nước thải vượt tiêu chuẩn

Mới đây, Sở TN&MT tổ chức hội thảo: “Dự án tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại TP.HCM - thí điểm tại cụm công nghiệp Tân Quy, Củ Chi”. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý về môi trường đều khẳng định quản lý nước thải ở khu công nghiệp là vấn đề khó khăn, nan giải.

9/20 doanh nghiệp không có hệ thống xử lý

Tại hội thảo, đại diện Sở TN&MT TP.HCM đã thông báo kết quả kiểm kê nguồn thải và công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Tân Quy, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bà Bùi Thanh Tâm Phương, chuyên viên Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT, cho hay: Thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11-2011, dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại TP.HCM, thí điểm tại cụm công nghiệp Tân Quy, Củ Chi đã thu thập thông tin, điều tra thông qua phiếu điều tra, kiểm tra thực tế, phỏng vấn, lấy mẫu tại 20 doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp này. Mục đích của việc kiểm kê nhằm điều tra thông tin, xác nhận hiện trạng xả nước thải, cũng như các hoạt động kiểm soát ô nhiễm của doanh nghiệp, vị trí xả thải và đánh giá thải lượng ô nhiễm từ cụm công nghiệp Tân Quy đối với rạch Bà Bếp - sông Sài Gòn. Kết quả cho thấy 9/20 doanh nghiệp có phát sinh nước thải nhưng không có hệ thống xử lý hoặc hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả, hoạt động sai quy trình thiết kế. Trong đó, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc ngành nhuộm, sản xuất giấy, cơ khí, bánh kẹo, nhựa, đồ gỗ, cáp điện, vật liệu xây dựng…

Nhiều doanh nghiệp xả nước thải vượt tiêu chuẩn ảnh 1

Doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải và xả trực tiếp ra kênh rạch là nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm môi trường. Ảnh: INTERNET

Cụm công nghiệp Tân Quy, nước bị ô nhiễm

Các chuyên gia cũng tiến hành lấy mẫu nước mặt tại bảy vị trí thuộc khu vực dự án, bao gồm kênh nối từ cụm công nghiệp Tân Quy, rạch Bà Bếp và một phần sông Sài Gòn ở đây. Kết quả cho thấy nước tại một số kênh nhỏ và kênh Bà Bếp đã bị ô nhiễm. Một số thông số ô nhiễm trong nước lại nằm gần vị trí cung cấp nước cho Nhà máy nước Tân Hiệp đang dao động đến ngưỡng giới hạn cho phép. Đại diện dự án nêu lên các vấn đề còn tồn tại trong việc quản lý nguồn nước tại khu vực này như khó xác định lưu lượng nước sử dụng, lưu lượng xả thải (do doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, không có thiết bị theo dõi lưu lượng). Chưa xác định lưu lượng nước tuần hoàn hoặc xả thải. Cơ sở hạ tầng không đồng bộ, khó kiểm tra hệ thống thoát nước, một doanh nghiệp có một hoặc nhiều điểm xả ra kênh. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động BVMT.

Vì vậy để công tác quản lý, BVMT nước đạt được hiệu quả cao hơn, đại diện dự án đã nêu lên những đề xuất với cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước thải đúng quy định. Tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nước kênh rạch. Hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật xử lý nước thải cho doanh nghiệp. Tập huấn nâng cao ý thức BVMT cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp cần đầu tư và vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải; có ý thức trách nhiệm trong công tác BVMT và nâng cao ý thức BVMT cho toàn bộ nhân viên.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Tại hội thảo, ThS Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT, khẳng định tất cả doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn nước thải từ chính cơ sở sản xuất của mình. Biểu hiện bằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT, thực hiện các biện pháp BVMT, phòng ngừa, hạn chế và khắc phục các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của mình. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức BVMT, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (báo cáo giám sát môi trường định kỳ, báo cáo quản lý chất thải nguy hại) theo quy định của pháp luật. Song song đó doanh nghiệp cần chấp hành đầy đủ chế độ thanh, kiểm tra BVMT, nộp thuế môi trường, phí BVMT đầy đủ. Để thực hiện được điều đó, theo ThS Lê Thị Kim Oanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Trong trường hợp nguồn thải được đưa về hệ thống xử lý nguồn thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nguồn thải tập trung. Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy nổ.

Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT nêu rõ, đối với hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500 triệu đồng, tùy vào lượng nước thải. Bên cạnh đó còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả.

NHẬT LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm