Sử dụng chất cồn: Nguy hiểm khi cầm lái

Tăng khả năng gây tai nạn

Báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng chất có cồn dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng làm tăng khả năng va chạm đối với người điều khiển phương tiện, bởi chất có cồn không chỉ làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống. Ở nhiều quốc gia các nghiên cứu đã cho thấy có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn. Đặc biệt lái xe trẻ, thiếu kinh nghiệm có nguy cơ bị va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn nhiều hơn và các va chạm này thường xảy ra vào ban đêm. Tuy nhiên, WHO này cũng chỉ ra rằng tại nhiều quốc gia, vấn đề này chưa được hiểu một cách đúng mức, vì thế cộng đồng chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của nó.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 92% số vụ tai nạn giao thông là do con người, 2% do kết cấu hạ tầng. Như vậy, tai nạn giao thông xảy ra hầu hết là do người tham gia giao thông. Rất nhiều người lái xe khi không có giấy phép điều khiển phương tiện, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, cố tình vi phạm luật lệ giao thông, chống người thi hành công vụ... Tháng An toàn giao thông (9-2011) năm nay được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa của việc lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện. Đồng thời hưởng ứng các hoạt động phòng, chống lạm dụng rượu bia và lái xe trong chương trình “Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” của Liên Hiệp Quốc.

Sử dụng chất cồn: Nguy hiểm khi cầm lái ảnh 1

Người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông sẽ góp phần làm giảm tai nạn. Ảnh minh họa: NHƯ THỦY

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe, các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu bia… là điểm đáng chú ý trong tháng An toàn giao thông năm nay. Ngoài ra, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường, huy động các lực lượng, bổ sung trang thiết bị đo nồng độ cồn. Các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, đây sẽ là giải pháp quan trọng có tính răn đe cao nhằm tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật, không uống rượu bia trước khi lái xe.

Lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai… Bên cạnh các biện pháp xử lý ở các điểm mất an toàn giao thông, đoạn đèo dốc nguy hiểm, các cơ quan hữu quan còn bổ sung thêm các biển báo ở những đoạn nguy hiểm, các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn… Đặc biệt, với mục tiêu kiềm chế tai nạn, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với lái xe; các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả của tai nạn giao thông do uống rượu bia khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, người tham gia giao thông cũng phải tự giác, chủ động thực hiện một số quy định cơ bản nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình khi đi đường. Đảm bảo an toàn cho mình cũng là giữ an toàn cho những người tham gia giao thông khác, hạn chế tối thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Người uống rượu bia điều khiển mô tô, xe máy sẽ bị xử phạt như sau:

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định của Chính phủ số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligram/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng; trong trường hợp gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày, gây tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Nếu nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở người điều khiển vượt quá 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày; trong trường hợp gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày, gây tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông “Trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng” còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù từ ba đến 10 năm.

THANH TRÀ (Theo cổng TTĐTCP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm