Cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng cao tuổi nhất châu Á

Gần trưa, nghe tiếng chuông đồng hồ điểm, tắt chiếc radio cầm trên tay, cụ Cao Viễn vào bếp chuẩn bị bữa ăn trưa cho hai vợ chồng. Cắm xong nồi cơm, cụ ông 106 tuổi quay ra làm sạch mấy con cá biển tươi mới được đứa cháu mang về và nhặt vài cọng rau tự trồng trong vườn nhà.

Mặc dù đã ngoài 100 tuổi, con cháu đề huề nhưng mấy năm nay hai cụ Cao Viễn và Vũ Thị Hai vẫn tự chăm sóc nhau tại ngôi nhà nhỏ ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An).

cao-tuoi-8604-1409224014.jpg

Đều trên 100 tuổi nhưng vợ chồng cụ Cao Viễn vẫn minh mẫn. Ảnh:H.B.

Dáng thấp nhỏ, đôi mắt vẫn tinh anh, bước đi còn nhanh nhẹn, duy chỉ có đôi tai hơi lãng, cụ ông cất giọng trầm ấm khi trò chuyện với khách. “Tôi còn 6 người con cả trai lẫn gái và hơn 100 cháu chắt. Có đứa ở sát vách, đứa ở tít miền Nam, miền Bắc. Đứa nào cũng muốn đón ông bà về chăm sóc, nhưng hai vợ chồng tôi muốn ở riêng...”, cụ Cao Viễn chia sẻ.

Hai vợ chồng cụ Cao Viễn (106 tuổi) và Vũ Thị Hai (100 tuổi) vừa lập Kỷ lục là cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á. Gian nhà gỗ khang trang của vợ chồng cụ trưng bày rất nhiều thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các đoàn thể huyện xã và bà con địa phương.

Đều quê gốc ở phủ Diễn Châu, kết hôn khi tuổi đôi mươi, sau nạn đói lịch sử, đôi vợ chồng son được cha mẹ cho ở riêng tại làng Phượng Lịch với vỏn vẹn vài quan tiền, tấm vải, cái chum đựng thóc và mấy chiếc bát. Đói khát, cụ ông phải bươn chải làm thuê khắp nơi để gửi tiền về cho vợ ở nhà nuôi con.

“Thời đói rách, mưu sinh buổi sáng thì kiếm tiền đong gạo buổi trưa, nhưng cả hai vợ chồng cố gắng nuôi dưỡng 8 người con khôn lớn. Nghĩ lại thấy tuổi trẻ của mình khổ cực quá”, cụ ông trầm ngâm nói. 

giay-mung-8740-1409213120.jpg

Tổ chức Kỷ lục châu Á vừa công bố cặp vợ chồng cao tuổi nhất thuộc về vợ chồng cụ Cao Viễn. Ảnh:H.B.

Tiếp lời cụ ông, cụ bà Vũ Thị Hai cho biết, mấy năm gần đây nhiều người làng, cả vùng quê xa xôi vẫn lui tới hỏi thăm, cung chúc sức khỏe và dò hỏi bí quyết trường thọ. “Chúng tôi đều nói với mọi người không có bí quyết gì, cũng không có món ăn sơn hào hải vị hay thuốc thang gì đặc biệt, vẫn cơm canh, thịt cá như người bình thường. Thời đói khổ còn phải uống nước suối, ăn khoai sắn trừ bữa...”, cụ Hai nói.

Theo cặp vợ chồng già, bao năm nay sau mỗi đêm ngủ chỉ được khoảng 5-6 tiếng, cứ buổi sáng hơn 6h hai cụ rời khỏi giường rồi cùng nhau đi bộ quanh sân nhà vài vòng. Sau khi tập thể dục, hai cụ dùng bữa sáng. Món ăn sáng họ thường dùng là bánh mướt nóng ở quê, không ăn nhiều, mỗi người chỉ vài cái. Nếu không ăn bánh, hai cụ lại cắm cơm để mỗi người dùng một bát con.

Chia sẻ về món ăn mà hai cụ yêu thích nhất trong bữa cơm chính hàng ngày, cụ bà cho biết cả hai rất thích ăn cá biển kho mặn. "Hầu như đã nhiều năm nay bữa cơm nào trên mâm cũng có món cá biển này", cụ Hai nói. 

Dù tuổi cao, hàng ngày mỗi buổi sáng mát trời và cuối buổi chiều, hai cụ lại ra vườn bắt sâu, chăm sóc luống rau tươi phục vụ bữa ăn hàng ngày. Nhiều hôm cháu chắt tới thăm thấy hai cụ lọ mọ lại khuyên vào nhà, nhưng cả hai không chịu và cho rằng đó là niềm vui được lao động để tăng cường sức khỏe.

Thời gian còn lại trong ngày, hai cụ xem tivi, nghe đài và đọc báo. "Cụ ông tai lãng thì cụ bà nghe rồi thuật lại. Còn những lúc đọc báo thì cụ ông lại đọc rất to cho cụ bà nghe", cụ Hai nở nụ cười hạnh phúc khi kể về cuộc sống hai vợ chồng.

"Bỏ ngoài tai những chuyện thị phi, ghen tỵ trong cuộc sống, sống hòa thuận, hợp đạo lý, yêu thương bà con làng xóm, những người thân cận xung quanh thì sẽ được người ta yêu thương đùm bọc lại”, cụ Viễn chia sẻ về quan điểm sống. Cho rằng cuộc sống hiện tại là viên mãn, con cháu đề huề, ai cũng quý trọng yêu thương, không thiếu thốn miếng ăn, nơi ngủ, vì thế hai cụ vẫn quyết định ở riêng để ngày ngày tự chăm sóc nhau.

cu-vien-2726-1409213120.jpg

Hai cụ tự chọn cách sống tự lập, chăm sóc nhau hàng ngày. Ảnh:H.B.

Sát vách nhà, thường xuyên qua lại chăm sóc bố mẹ, bà Cao Thị Tứ (71 tuổi, con gái thứ tư của hai cụ) tâm sự, bố mẹ bà đã trở thành biểu tượng của con cháu và cả dòng họ. Người làng trên xóm dưới lấy việc hai cụ trường thọ để đến nhờ xin lộc làm ông tơ bà nguyệt cho các đôi vợ chồng trẻ.

“Nhiều đám cưới trong làng xã các đôi tìm tới nhà nhờ hai cụ trải chiếu. Nhiều hôm mệt, mưa gió không thể tới nhà thì các cặp vợ chồng trẻ cũng xin trò chuyện đôi mươi phút để được nghe lời răn của hai cụ, gọi là lấy tý lộc cho bền hạnh phúc gia đình”, bà Tư chia sẻ về việc làm của bố mẹ mình mấy năm nay.

Tan cuộc trò chuyện, cụ ông 106 tuổi lại lật tìm những trang báo có nhiều mẩu chuyện vui, trang tin tức thời sự hàng ngày để đọc cho cụ bà nghe.

Theo Hải Bình (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm