Babylift: Khát vọng cội nguồn

Họ chắt chiu dành dụm, đi máy bay giá rẻ, ở khách sạn bình dân, hành trình về nguồn với tất cả tấm lòng thương nhớ.

Chị Trista Goldberg - một babylift cũng là người phụ trách tổ chức Operation giúp tìm kiếm thân nhân Việt Nam cho babylift, giúp tổ chức chuyến trở về Việt Nam lần này cho biết: “Đó là đêm khó ngủ với nhiều người trong đoàn của chúng tôi với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Chứng kiến tận mắt những hoàn cảnh tìm người thân như mình, lại khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nhiều người đã bồn chồn, lo sợ, xen lẫn hân hoan. Có người muốn thúc đẩy nhanh hơn quá trình tìm kiếm vì biết rằng cha mẹ mình đã lớn tuổi, có thể mất đi. Có người cân nhắc lại, chuẩn bị tâm lý trước để không hụt hẫng khi gặp lại gia đình, chuẩn bị cả tinh thần cha mẹ mình có thể là một người nghèo khó, lam lũ. Có người lại bị sốc vì không quen văn hóa bày tỏ tình cảm ra ngoài hay trước đám đông như trong chương trình vì người phương Tây thường bày tỏ tình cảm riêng tư, kín đáo. Có người lại có tâm lý gặp lại người thân sẽ đau khổ hơn… Nhưng chưa một ai bày tỏ sẽ bỏ cuộc.

Babylift: Khát vọng cội nguồn ảnh 1

Một thành viên trong đoàn babylift và chân dung lúc còn bé ở Việt Nam.

. Thưa chị, các anh chị babylift có được tư vấn trước về tâm lý có thể khi gặp lại người thân sẽ không như mình hình dung, mong đợi, hoặc có khả năng không tìm được vì nguồn thông tin quá mong manh? Chị có thể cho biết về tâm lý của những người babylift?

+ Mỗi người đều có một sự chuẩn bị tâm lý nhưng cũng có nhiều bất ngờ không thể biết vì mỗi người mỗi khác, lại cách xa bao nhiêu năm. Riêng cá nhân tôi, ba mẹ nuôi của tôi từ bé đã giải thích rõ với tôi chiến tranh Việt Nam khiến người dân đói khổ, khó khăn, mất mát thế nào nên tôi hiểu thực tế.

Tâm lý và nhu cầu về quá khứ của babylift khá đa dạng. Vẫn có nhiều người chưa nhắc đến việc tìm người thân của mình mà chỉ muốn tìm hiểu văn hóa, đời sống, phong tục tập quán của Việt Nam ra sao, chúng tôi sẵn sàng giúp họ phần đó. Riêng có những người đi qua thời thanh niên sôi nổi, nhiều lôi cuốn trong cuộc sống, đến tuổi này biết giá trị của gia đình, họ thật sự có tâm lý tìm về nguồn cội, tìm người thân.

. Với chị, Việt Nam có phải chỉ là nơi tìm hiểu cho rõ gốc gác bản thân rồi thôi, hay là một nơi gắn bó, gần gũi, thân thương như là một phần của mình? Có những khó khăn tâm lý nào của babylift khi về Việt Nam? Có ai muốn sống luôn ở Việt Nam không?

+ Khó khăn lớn nhất với tôi chỉ là không nói được tiếng Việt. Nếu nói được tiếng Việt, tôi thấy đây như là đất nước của mình chứ không còn chỉ là người đến thăm. Tôi rất vui, hài lòng vì thấy mặc dù tôi là con lai, mặt không giống người Việt lắm nhưng ai cũng chấp nhận mình. Tôi đi khắp đất nước Việt Nam cùng người chị Việt Nam của tôi và rất yêu mến Việt Nam. Tôi sẽ học tiếng Việt và muốn sống luôn tại Việt Nam. Nhiều babylift cũng mong muốn như vậy.

. Thưa chị, chuyến trở về Việt Nam của 100 babylift vào ngày 2-4 này xuất phát từ đâu, được tổ chức như thế nào?

+ Chúng tôi - những babylift khắp thế giới thường xuyên gặp gỡ, liên lạc với nhau qua mạng Facebook, Sky… và chúng tôi đã cùng nhau quyết định chuyến trở về này với sự giúp tổ chức của Operation Reunite. Đây là một chuyến đi mở, mọi người đều tự túc kinh phí. Có những người rất muốn tham gia nhưng không đủ kinh tế. Có người phải tìm đặt những khách sạn giá rẻ ở Việt Nam để đủ chi tiêu. Chúng tôi không xây dựng kế hoạch chung mà để mọi người tự do thăm thú, tổ chức kế hoạch riêng cho mình. Và mọi người đều hào hứng vì có sự khám phá riêng.

. Cảm ơn chị và chúc các anh chị babylift khác sẽ tìm được gia đình như chị tìm được mẹ vào chín năm trước đây!

Safi Thi Kim: “Tôi ước ao một ngày nào đó có người đến nhà gõ cửa và nói rằng đã tìm ra được cha tôi”.

Tiffany Goosdon: “Tôi muốn nói với mẹ rằng tôi biết mẹ cũng chịu nỗi buồn như tôi. Tôi cảm ơn mẹ vì đã cho tôi cuộc đời này”.

Viktoria Cowley: “Khi còn nhỏ và lúc mới lớn, cuộc sống cuốn tôi đi, tôi không nghĩ ngợi gì. Nhưng càng lớn tuổi, trong tôi có nỗi buồn về một phần mất mát. Tôi đã trải qua sự khủng hoảng về bản thể. Tôi trở về Việt Nam với khao khát tìm thấy những gì là một phần của cuộc đời mình đã trải qua, tìm thấy những gì đã làm nên tôi”.

Kim Browne: “Tôi đã sống hồn nhiên đến năm chín tuổi và bắt đầu nhận ra mình không giống những người xung quanh. Tôi tìm cách kết bạn với những người Việt và bị gọi là con bé người Việt không biết nói tiếng Việt. Trở về Việt Nam, tôi biết nguồn gốc của mình được nuôi dưỡng ở Trung tâm nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp. Đến đây, tôi thấy đây như là mái nhà của mình, tôi phải có trách nhiệm với nơi này nên khi có thể tôi lại thu xếp về đây chăm sóc các em. Tôi mong muốn ở lại Việt Nam luôn để gắn bó với trung tâm này - mái nhà của mình hơn. Tôi mong là mẹ tôi ở đâu đó qua tivi sẽ nhìn thấy tôi, sẽ tìm gặp tôi để tôi được thương mẹ, mẹ được thương tôi”.

Chiến dịch babylift (Operation Babylift) là tên của một cuộc di chuyển trẻ mồ côi Việt Nam khỏi Nam Việt Nam đến Mỹ và các quốc gia khác (như Úc, Pháp và Canada) vào tháng 4-1975. Cho đến chuyến bay cuối cùng của chiến dịch này, có trên 2.000 trẻ em được đưa đi.

Chiến dịch babylift đã được Tổng thống Mỹ Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ. Trong đó, chuyến bay ngày 4-4-1975 đã phát nổ chỉ sau 16 phút sau khi cất cánh. Viên phi công cố gắng quay lại Tân Sơn Nhất nhưng phi cơ bị rơi, trong đó có 100 em chết và 78 em sống sót. Nhưng nhiều chuyến bay khác vẫn tiếp tục đến ngày 26-4.

32 năm đã trôi qua, những trẻ mồ côi Việt Nam năm xưa nay đã trưởng thành. Một số đã tìm về cố hương, tìm được người thân và cội nguồn dân tộc.

Phần lớn các em từ chương trình babylift được cha mẹ nuôi nuôi nấng tử tế và cho ăn học đàng hoàng. Nước Mỹ từng nhìn lại babylift với nhiều góc độ, nhiều tranh cãi, đây là trách nhiệm, lòng nhân đạo của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam hay sự hành xử tùy tiện ảnh hưởng đến cuộc sống của những đứa trẻ bị tách khỏi đất nước, nguồn cội?

Trong một phóng sự đặc biệt, tờ Des Moines Register cho biết một năm sau chiến dịch babylift, hàng trăm em vẫn sống trong tình trạng tư cách pháp nhân mù mờ. Báo Times (ngày 24-5-1976) cho biết nhiều trẻ babylift hoàn toàn không có thông tin lý lịch cá nhân và do đó gặp khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ cho các trường hợp nhận con nuôi. Một năm sau chiến dịch babylift, Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ cho biết có 1.671 em có hồ sơ hợp lệ và 353 không hợp lệ. Sau đó xảy ra nhiều cuộc tranh chấp dân sự.

Xúc động đêm hội ngộ!

Đêm 4-4-2010, 31 người từng là babylift từ khắp thế giới đã tham gia trong chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly tại TP.HCM. Đêm hội ngộ này đã tạo ra xúc động trong tâm hồn họ.

31 người với đủ quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Na Uy, Úc… đều đã trên 35 tuổi, gần như không nói được tiếng Việt, có 10 người chưa một lần đến Việt Nam đã trải qua những cảm xúc, tâm lý đầy xáo động. Nhiều người trong nhóm babylift đã xuất hiện trước ống kính kể về xuất thân của mình với mong muốn được giúp những manh mối để tìm người thân.

Trên màn ảnh xuất hiện những đoạn phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam. Những dòng người chen nhau trên đường tản cư. Những đứa trẻ được người lớn dắt díu bên tay, cõng trên lưng, gồng gánh trên vai trong loạn lạc… Trên sân khấu xuất hiện những người Việt Nam trạc tuổi họ, cũng đã 35 năm thất lạc gia đình tuy đang sống ngay trên quê hương này. Họ biết rằng không chỉ có họ, chiến tranh đã để lại quá nhiều nỗi đau ở đất nước Việt Nam.

Dưới khán phòng, tuy cách biệt ngôn ngữ, nước mắt chảy thành dòng trên nhiều gương mặt babylift. Những gương mặt khác thì rưng rưng. Lại có những gương mặt bối rối, bất động… Sau chương trình, họ như thân thiết với nhau hơn, ôm nhau, nói chuyện cùng nhau, xin số nhau nhiều hơn, cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tíu tít…

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm