Câu chuyện về một dòng chảy ngược

Câu chuyện về một dòng chảy ngược ảnh 1
Roland Nguyễn
Bộ phim ngắn đầu tay Nợ máu về thế giới gangster của những người châu Á ở Mỹ đưa cái tên Roland Nguyễn đến với công chúng yêu điện ảnh trong cộng đồng Việt. Năm 2007, Nợ máu nhận giải Tuyên dương danh dự từ Giải thưởng phim sinh viên vinh dự của hiệp hội Đạo diễn Mỹ (DGA). Sau đó, phim tài liệu một phút tiếp theo của Roland tiếp tục gây chú ý trong cộng đồng người Việt. Phim một phút quay trong vòng hai tiếng đồng hồ từ máy quay mượn của bạn, hai diễn viên đều là bạn bè đóng giúp (đạo diễn Phan Xi Nê, bạn học của Roland đảm nhận một vai). Chỉ có hai câu thoại buồn cười, dù có người cho là vô nghĩa, vớ vẩn, thậm chí tục tĩu, phim đã khiến mọi người cười mỏi miệng bởi tình huống hài hước, bất ngờ gợi nhớ đến câu chuyện gần gũi trong các gia đình Việt Nam. Phim tài liệu cực ngắn này nhận được sự hưởng ứng bất ngờ tại các liên hoan phim. Chính sự phản hồi thú vị này đã khiến Roland ấp ủ dự định làm series các bộ phim cực ngắn về những tình huống hài hước trong cuộc sống. Ý tưởng này có thể bán trên internet, chiếu trên xe buýt, taxi…Sinh ra tại North Dakota, Mỹ, tiếng Việt và kiến thức lịch sử Việt Nam của Roland được rèn luyện và bồi đắp mỗi ngày bởi sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình. Ý định về nước làm phim của Roland bắt đầu khi các phim ngắn của anh được đông đảo người Việt tại Mỹ thích thú. Họ cảm nhận trong đó cái xao xác của những người xa quê, dù có người không hiểu một cách trọn vẹn nhưng lại cảm nhận được hình bóng của quê hương, ông bà, cha mẹ trong các thước phim đó. “Cách kể chuyện của tôi dù người Mỹ không cảm nhận được nhưng lại được đông đảo khán giả người gốc Việt thích thú. Vì thế, tôi có ý định về Việt Nam làm phim để có được khán giả đông hơn. Với tôi, thành công nghĩa là làm được một bộ phim được khán giả quê nhà ủng hộ và những người bạn hồi ấu thơ của tôi yêu thích”, Roland cho biết. Những ngày về Việt Nam gần nhất, Roland dành nhiều thời gian để xem phim Việt, tham dự liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam, giao lưu với những người làm phim trẻ, các nhà sản xuất để tìm hiểu nhiều hơn nữa về thị trường trong nước. Làm phim về chủ nghĩa anh hùng trong thời hiện đại là điều mà Roland đang có kế hoạch thực hiện. “Tôi đã xem nhiều phim về người anh hùng trên thế giới, anh hùng da trắng, anh hùng da đen, anh hùng là đàn ông, đàn bà, trẻ em, nhưng thiếu những người anh hùng trong thế giới người đồng tính. Oliver Stone đã làm một cách khá nhẹ nhàng đề tài này trong phim về Alexander đại đế…”. Từ sự phân tích cá nhân khán giả Việt Nam thích xem các bộ phim có yếu tố đồng tính như một thứ gia vị, bằng chứng là sự thành công của Để Mai tính, kết hợp với đam mê triết lý của chủ nghĩa anh hùng, Roland đang dành thời gian cho kịch bản về đề tài thú vị này. Trước khi tốt nghiệp cao học về điện ảnh, cao học về nghiên cứu châu Á tại University of Southern California, Roland học về vật lý. Chính khả năng phân tích và lý luận đã giúp Roland dùng phương pháp khoa học, sự tỉnh táo để phân tích các kịch bản phim của mình. Vì thế, anh luôn tự viết kịch bản cho phim của mình. Roland vừa hoàn thành năm kịch bản phim nhựa, trong đó có kịch bản về phim “súng hiệp” (bắt chước từ cách gọi phim “kiếm hiệp”) về một thế hệ di dân thứ hai trên đất Mỹ sẽ được anh đạo diễn trong thời gian tới. Lần về Việt Nam này của Roland chỉ mới là lần thứ tư, nhưng anh đã không còn là người lạ trên quê hương. Lần về trước, anh đã có ba tháng đi tìm tư liệu viết cuốn tiểu thuyết về danh tướng Trần Quang Diệu. Ba tháng rong ruổi với hành trình tìm mộ Trần Quang Diệu, ghi lại những câu chuyện lịch sử cùng với dấu ấn thời gian đã giúp anh chuyển ý định viết sách thành việc thực hiện các tập phim tư liệu về lịch sử, trong đó có tập phim về nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu… Các tập phim này hiện đang trình chiếu tại dự án phim ngắn YxineFF.Có ý định chọn Hội An là nơi để gắn bó trong thời gian thực hiện kịch bản phim trong thời gian sắp tới, Roland đã cảm thấy Việt Nam thân thuộc lắm rồi. Những câu chuyện anh kể về lịch sử, về người dân quê chi tiết, ngọn ngành làm ngạc nhiên những người vốn nghĩ đạo diễn Việt kiều về nước chỉ vì khó tìm được cơ hội ở Mỹ. Ở câu chuyện làm phim của Roland, nó còn là tình yêu với xứ sở này, xứ sở anh không sinh ra nhưng lại thuộc về…
Theo Phạm Vi (SGTT)
Ảnh: N.N

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm