Di tích Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó ban Quản lý di tích Mỹ Sơn kiêm chuyên gia phụ trách mảng bảo tồn nơi đây, cho biết: “Khu di tích Mỹ Sơn có tổng thể 20 công trình đền tháp. Tuy nhiên, chỉ các tháp B5, B3, C1 còn khá nguyên vẹn. Không chỉ thời gian mà sự tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, con người cũng làm cho đền tháp dễ bị tổn thương. Mùa lũ vừa qua, di tích bị ngập sâu đến 2 m. Việc này cũng góp phần đẩy nhanh sự xuống cấp của Mỹ Sơn.

Không dám nhổ cỏ

Từ đầu năm 2011 đến nay có 247.000 lượt du khách đến đây tham quan. Áp lực du khách tác động rất lớn lên di tích.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, hầu hết các ngọn tháp đều có nguy cơ sụp đổ. Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Nam đã triển khai kế hoạch tổng thể phát triển, trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn từ năm 2008-2020 và đã được Chính phủ phê duyệt.

Di tích Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ ảnh 1

Cần kéo giãn lượng du khách tham quan để giảm tải cho đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ PHI

“Khi kế hoạch tổng thể được phê duyệt thì công tác quy hoạch chi tiết, phân vùng cắm mốc vẫn chưa thể triển khai nên Mỹ Sơn tiếp tục xuống cấp. Vì thế, mới đây tỉnh đã chi 9 tỉ đồng để trùng tu khu E và tháp E7” - ông Huỳnh Tấn Lập, Phó ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn, nói.

Ban quản lý cho hay các nhân viên khu di tích không dám nhổ cỏ dại vì sợ “nhổ một cây cỏ sẽ kéo lên cả một viên gạch của đền tháp”, còn sử dụng thuốc diệt cỏ lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe du khách. Vì thế, cỏ dại vẫn từng ngày “gặm nhấm”di tích.

Theo ông Huỳnh Tấn Lập, thực tế ban quản lý chủ yếu vẫn chỉ làm công tác gia cố, bảo vệ. Công tác trùng tu phải do các nhà nghiên cứu chuyên sâu thực hiện.

Giải pháp trùng tu?

Năm 2011, ban quản lý bán được 6 tỉ đồng tiền vé, trích 3 tỉ đồng để trùng tu nhưng số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Trong việc trùng tu đền tháp Mỹ Sơn, khó khăn lớn nhất hiện vẫn là giải pháp kiến trúc. Nhiều nhà nghiên cứu đã làm gạch nhưng đều không đạt yêu cầu do gạch vẫn bị rêu bám. Còn nếu đưa xi măng làm mới thì sẽ làm biến dạng di tích”. Theo ông Đinh Hài, việc trùng tu phải hết sức thận trọng, cần làm kỹ lưỡng từng chút để tránh tình trạng biến di tích cổ thành mới. Trước tiên, phải cứu vãn các di tích để không dẫn đến sụp đổ.

Vừa qua, các chuyên gia nghiên cứu và Tổ chức UNESCO đã về Mỹ Sơn để công bố bước đầu đề án nghiên cứu sản xuất vật liệu gạch đặc trưng cho tháp Chăm. Họ sẽ cho sản xuất thử nghiệm gạch, xem kết quả rồi đưa vào trùng tu. Hiện tại, việc trùng tu khu di tích này do Trung tâm Quản lý di tích tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia của UNESCO thực hiện.

Từ năm 1999 đến nay, các chuyên gia nghiên cứu trong nước và của Tổ chức UNESCO tập trung tìm giải pháp trùng tu cho những ngọn tháp Chăm nằm sâu trong thung lũng. Thế nhưng công tác này vẫn còn chậm chạp.

Để giảm tác động của con người lên di tích, năm 2012 ban quản lý sẽ triển khai chở du khách tham quan bằng xe điện. Chính phủ Ý cũng cam kết tài trợ 420.000 euro phục vụ công tác trùng tu.

Năm 2012, Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn sẽ tiến hành tăng giá vé tham quan. Theo đó, giá vé cho du khách nước ngoài sẽ là 100.000 đồng/người, khách trong nước là 50.000 đồng/người.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm