Đọc lịch sử từ gia phả

Sau một năm sưu tầm, nghiên cứu và điền dã, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM đã có buổi trao tặng gia phả cho 11 chi họ ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM). 16 chuyên viên làm việc ròng rã trong vòng chín tháng để có được 11 bộ gia phả của các chi họ. Nói về sự quan trọng của gia phả, người xưa đã có câu “Nước có sử, nhà có phả/ Chim có tổ, người có tông”.

Gia phả là viên gạch của ngôi nhà lịch sử

Thế nhưng trong sự phát triển hiện nay, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP.HCM thì công việc và nhiều mối bận tâm khác cuốn người ta khỏi những gốc tích gia đình. Theo GS-TS Mạc Đường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam, ở TP.HCM hiện nay chỉ chừng 125 họ kê khai về dòng họ. Nhưng “những kê khai hiện tình không chính xác. Bởi có những tộc họ đã thay đổi vì biến cố lịch sử. Ví dụ họ Mạc gốc Hải Dương không trùng với họ Mạc gốc Hà Tiên và một số họ như họ Vũ, Phạm, Hoàng, Thái, Huỳnh... từ họ gốc Mạc mà bà con đã tự nhận nhau qua gia phả hay lời trăng trối của tổ tiên” - GS-TS Mạc Đường nói.

Riêng khu vực Nam Bộ, đa số các gia tộc gốc từ lưu dân ngũ Quảng hoặc các tỉnh phía Bắc đều không có gia phả, nếu có cũng chỉ ghi từ cụ tổ đầu tiên vào Nam khai phá đến nay. Ông Lê Văn Cượng, 63 tuổi, đại diện họ Lê ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi), cho biết dòng họ ông cũng có gia phả, tuy nhiên chỉ chép tay và cũng không đầy đủ, chưa có sự kết nối với dòng họ gốc từ chín, mười đời trước ở Quảng Bình. Ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinasun, đã bỏ nhiều năm truy tìm và biết được tên ông tổ đầu tiên vào Cao Lãnh (Đồng Tháp) lập nghiệp. Ông Thành nhiều lần ra Bắc, vào miền Trung để truy tiếp dòng tộc. Ở Hà Tĩnh, ông đã tìm được bộ gia phả họ Đặng có từ lâu đời ghi nhận có người cùng tên với ông tổ của ông, đã bỏ làng vào Nam trùng với thời gian ông tổ của ông khẩn hoang.

Đọc lịch sử từ gia phả ảnh 1

Đại diện các dòng họ ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM nhận gia phả do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM trao tặng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thấy lịch sử khẩn hoang qua gia phả

Gia phả cũng góp phần vào kho tàng lịch sử của một vùng đất. “Từ lịch sử tộc họ sẽ bổ sung những chi tiết thú vị khác cho lịch sử” - bà Đoàn Lê Phong, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM, khẳng định. Bà đã phát hiện ra nguồn gốc của cái mương Huỳnh ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội từ gia phả họ Lê trong chuyện ông Lê Văn Luôn vào đây lập nghiệp và chọn người rể họ Huỳnh. Chính người rể này đã đào mương Huỳnh để khai phá đất đai và đến giờ vẫn còn sử dụng.

Rồi chuyện vào đầu thế kỷ 20 của một người họ Nguyễn chuyên làm nghề xáng múc nhận em nuôi là một kỹ sư đóng tàu - ông Lê Văn Ruộng. Sau một thời gian, ông Ruộng bỏ nghề đóng tàu chuyển qua xáng múc và lấy em gái của người họ Nguyễn. Ông Ruộng đã đào kênh Xáng ở Củ Chi (TP.HCM); Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) về cả tận Đồng Tháp Mười.

Nghiên cứu gia phả, cụ thể ở phần ngoại phả sẽ giúp rất nhiều cho những nhà nghiên cứu văn hóa các ngành gần như lịch sử, di tích, kiến trúc… Khi làm gia phả của một trong bốn người giàu nhất Sài Gòn xưa là Lý Tường Quang (tức Bá hộ Xường), những người nghiên cứu đã tìm ra nghệ thuật điêu khắc đá ở quần thể mộ họ Lý tại Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Bà Phong rút ra rằng “gia phả thể hiện được một phần hệ thống đình miền Nam”. Đó là do thần hoàng của các đình miền Nam đều là những nhân vật có thật. Và đình miền Nam thờ cả bài vị tiền hiền (những người khai canh vùng đất) và hậu hiền (những người kế tục)…

Gia phả là gì?

“Phả” có nguồn gốc từ chữ Hán, hay còn gọi là phổ, bổ hoặc sổ. Phả nghĩa là quyển sách hoặc sổ biên chép có thứ tự. Gia phả chính là quyển sách ghi chép những việc xảy ra trong gia đình, dòng họ. Trong các gia đình vọng tộc, thư hương ngày xưa, gia phả là một trong những thứ quý báu nhất mà tổ tiên để lại cho đời sau.

Gia phả thường gồm bốn phần:

- Phả ký nói đến tổ quán, vị tổ phụ, quá trình hình thành và phát triển của họ tộc.

- Phả hệ là phần ghi chép những thành viên trong dòng họ theo thứ bậc từ cao đến thấp, từ vị tổ phụ đến con cháu đang hiện hữu.

- Ngoại phả là những trang viết gắn liền với họ tộc mình như việc đồng mả, chôn cất, cúng bái, ngày giỗ…

- Phụ khảo là những điều liên quan đến học tộc trong chiều dài lịch sử của dòng họ như đình chùa, miếu mạo, truyền thống đấu tranh của địa phương

Với những gia đình vua chúa, họ không dùng từ gia phả mà dùng từ ngọc phả, ngọc điệp… để gọi gia phả. Ngoài gia phả còn có những loại phả khác như tộc phả hay thế phổ (ghi về tông tộc), niên phả (ghi chép hoạt động trong năm). Cũng có những loại phả khác trong đời sống hằng ngày như thực phả (ghi chép về món ăn), lễ phả (ghi chép về các nghi lễ)…

Bán nhà làm gia phả

Không chỉ người giàu mà những người không dư dả vẫn rất chú trọng chuyện gia phả. Như ông Nguyễn Văn Sáu ở Đức Hòa, Long An. Bấy lâu nay ông tự đi tìm và làm gia phả cho họ Nguyễn của ông. Đến khi bệnh, không tiếp tục được, ông nhờ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM làm giúp. Nghe giá chi phí gia phả là 10 triệu đồng, ông dự định sẽ về bán chái nhà phía sau để đủ tiền làm gia phả. Sau đó, trung tâm đã làm giúp và không lấy tiền. May mà khi gia phả hoàn thành, ông vẫn còn sống để xem…

(Ghi theo lời kể của bà Đoàn Lê Phong)

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm