LHP Việt Nam: Ít phim hay, nhiều hài nhảm

Biên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18-2013 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-10 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tinh thần LHP năm nay hướng tới là “Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”. Mục tiêu hướng tới của các kỳ liên hoan gần đây là những giá trị cao đẹp nhưng thực tế diễn ra không tương xứng.

Lộ diện “chủ nhân” giải vàng

Quá nửa số phim tham dự liên hoan lần này được xếp vào hạng hài nhảm như Hello cô Ba; Hit: Hoàng tử và Lọ Lem; Yêu anh, em dám không?; Giấc mộng giàu sang hoặc ngay khi vừa chiếu ra mắt đã bị chê tơi bời như Mùa hè lạnh, Ranh giới trắng đen, Cưới ngay kẻo lỡ, Cát nóng, Đam mê, Lửa Phật… Trong khi đó, những bộ phim lâu nay vẫn được giới báo chí cho là “xem được” như Chạm, Bay vào cõi mộng, Ngọc Viễn Đông lại không có mặt.

LHP Việt Nam 16 chỉ có 15 phim truyện tham gia, LHP 17 tăng lên đúng 17 phim và lần này “đột phá” lên đến con số 23. Một đạo diễn danh tiếng đặt vấn đề cần phải sàng lọc phim tham dự bởi LHP không phải là hội chợ của các nhà sản xuất phim giải trí. Nhà quay phim kỳ cựu - NSƯT Lý Thái Dũng cho rằng tất cả các LHP trên thế giới đều làm theo cách có một bộ phận tuyển chọn, sàng lọc trước khi đưa phim vào tranh giải. Mỗi LHP có một tiêu chí nhất định và phim không phù hợp với tiêu chí của liên hoan có thể bị từ chối thẳng thừng chứ không phải “vơ bèo vạt tép” như LHP Việt Nam hiện nay.

LHP Việt Nam: Ít phim hay, nhiều hài nhảm ảnh 1

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại - ứng viên của giải Bông sen vàng Ảnh: VIỆT HỒNG

Nhìn vào danh sách dự giải, ngoài Những người viết huyền thoại - ứng viên nặng ký cho Bông sen vàng - chẳng còn phim nào có thể đua tranh. Nhiều kỳ LHP Việt Nam gần đây, giải Bông sen vàng luôn thuộc về phim đề tài chiến tranh cách mạng. Những người viết huyền thoại lại là phim truyện duy nhất thuộc đề tài này có mặt trong LHP lần thứ 18. Hơn nữa, Những người viết huyền thoại - lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giai đoạn những năm 1960 dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và Đoàn 559, thực hiện bởi ê-kíp gồm đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng và tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng - được đánh giá là một bộ phim khá, đặc biệt về kỹ thuật và hình ảnh dù giới chuyên môn cho rằng điểm yếu của bộ phim lại là cách thể hiện theo một lối mòn, khán giả mới chỉ thấy sự ác liệt của bom đạn chứ chưa tìm thấy sự khắc khoải trong những phút giây sống còn - vốn rất cần trong những phim chiến tranh.

Chưa trao đã đoán được phim đoạt giải Bông sen vàng, thế nên sức hấp dẫn của LHP hầu như chẳng còn gì, chỉ còn tranh giải bạc và các hạng mục giải thưởng dành cho các cá nhân.

Thiên mệnh anh hùng so kè với Đường đua

Một trong những ứng cử viên sáng giá cho Bông sen bạc của kỳ LHP lần này là Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ, từng giành giải Ban giám khảo tại LHP quốc tế Hà Nội hồi cuối năm 2012. Không chỉ được báo chí trong nước hết lời khen ngợi khi ra rạp, đạo diễn người Đức Jan Schuett, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện tại LHP quốc tế Hà Nội 2012, cũng từng đánh giá Thiên mệnh anh hùng là một bộ phim được làm chỉn chu, dàn dựng công phu và khá nổi bật so với nhiều phim châu Á khác cũng tham dự tranh giải. Giải thưởng này có thể coi là một sự bảo đảm cho Thiên mệnh anh hùng khi tham gia các giải thưởng điện ảnh khác, trong đó có Bông sen vàng lần này. Nhưng ban tổ chức và hội đồng giám khảo khó lòng bỏ qua Những người viết huyền thoại để trao giải Bông sen vàng cho Thiên mệnh anh hùng. Ở giải Cánh diều 2012, Thiên mệnh anh hùng đoạt tới 5 giải gồm phim truyện xuất sắc nhất, đạo diễn, vai nam chính, âm thanh, quay phim.

Là một bộ phim tâm lý tội phạm xen lẫn hành động, Đường đua của đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy không chỉ được báo giới mà cả những người trong nghề đánh giá cao vì mang đến cho khán giả sự kịch tính và gay cấn đến nghẹt thở. Sự hấp dẫn của Đường đua không chỉ đến từ tiết tấu, hình ảnh phim mà còn ở cả dàn diễn viên từ chính đến phụ, trong đó nổi bật là 2 vai diễn nặng đô về tâm lý, hành động của Phạm Anh Khoa và Nhan Phúc Vinh. Tuy nhiên, sự chỉn chu trong nội dung của Đường đua vẫn không kéo được khán giả đến rạp bởi như thừa nhận của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, phim không có nhiều yếu tố giải trí cho khán giả trẻ dưới 20 tuổi - vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt. Vì vậy, Đường đua cũng khó vượt qua Thiên mệnh anh hùng khi trong hội đồng giám khảo phim truyện không có gương mặt trẻ nào.

* Cần cái nhìn trẻ, mới

Nhìn lại Ban Giám khảo hạng mục phim truyện nhựa năm nay, một đạo diễn đã thốt lên: “Bông sen muôn năm cũ!”. Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục này là đạo diễn Đào Bá Sơn, các thành viên còn lại là nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, nhà quay phim Phạm Thanh Hà, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Hồ Quang Minh, Nguyễn Trung Phan và NSND Lan Hương của Nhà hát Kịch Việt Nam. Với dàn giám khảo đều là những gương mặt đã ở tuổi trung niên trở lên và đã nhiều lần cầm cân nảy mực, không ít người cho rằng sẽ chẳng có đột phá gì ở LHP này.

“Điện ảnh Việt cần cái nhìn trẻ, mới để hấp dẫn khán giả chứ không phải theo con đường cũ. Nữ diễn viên Trung Quốc Chương Tử Di đã 3 lần được mời làm giám khảo LHP Cannes, chẳng lẽ điện ảnh Việt lại không có diễn viên trẻ tài năng có thể ngồi ghế giám khảo? Tôi không cho là thế, vấn đề là ta có dám mạnh dạn mời người trẻ hay không?” - một đạo diễn đặt vấn đề.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo giới thiệu về LHP, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thừa nhận việc chọn giám khảo trẻ cho LHP không dễ. Một số gương mặt tài năng và đang sung sức làm nghề thì không thể tham gia Ban Giám khảo vì bản thân họ có tác phẩm ghi danh dự thi.

Theo Yến Anh (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm