Mốt “Tây hóa” nghệ danh

Một trong những ca sĩ trẻ đầu tiên có nghệ danh kiểu nửa Tây nửa ta là Wanbi Tuấn Anh. Tuấn Anh cho biết: “Tên ở nhà của em là Bi. Khi lớn, không thể gọi mãi là cu Bi được nên em đã tạo một nick lạ để chat. Em chọn Wanbi, tên không có ý nghĩa gì, chỉ là ghép lại thấy hay hay thôi. Sau này đi hát em lấy nghệ danh là Wanbi Tuấn Anh”. Theo đà này, nhiều người khác cũng lấy tên Wansee, Wandream, Wanbo… nghe rất Tây!

Loạn lý do

Hoa hậu thời trang, người mẫu Trương Tri Trúc Diễm khi đi hát đã lấy nghệ danh là Baby J Trúc Diễm. “Baby J là nickname thời còn đi học ở trường phổ thông. J là viết tắt của từ Jessica, tên tiếng Anh của tôi” - Diễm giải thích. Vì sao tên cha mẹ đặt cho vốn đã đẹp như thế mà lại phải đổi nửa Tây nửa ta khi hát? Diễm trả lời: “Tôi cũng biết tên mình hay nhưng tên hoa hậu, người mẫu mà như thế thì… thường quá. Tôi nghĩ có người thích, người không nhưng khi quen rồi, khán giả sẽ nhớ và chấp nhận thôi”. 

Trương Thị May, á hậu 1 trong cuộc thi Hoa hậu dân tộc Việt Nam cũng dùng nghệ danh Magaritte Trương khi làm người mẫu ảnh. Theo bà Trương Mỹ Tiền, là mẹ và cũng là người quản lý của May, có nhiều người bảo tên Trương Thị May nghe có vẻ... sến quá nên đã nhờ một sư phụ ở chùa đặt cho nghệ danh nói trên. Hàm ý của nghệ danh này là cô gái họ Trương sẽ mang sự trong sáng vĩnh cửu của loài hoa cúc trắng.

Mới đây, trong bộ phim truyền hình dài tập Những thiên thần áo trắng chiếu trên VTV, trên màn hình dòng chữ giới thiệu diễn viên Midu đóng vai Ngọc - nhân vật chính của phim. Nhìn cái tên lạ, khán giả cứ tưởng Midu là người nước ngoài hay chí ít là Việt kiều. Nhưng thật ra tên thật của diễn viên này là Đặng Thị Mỹ Dung, từng đậu thủ khoa và á khoa của một trường cao đẳng và trường đại học, được biết đến sau cuộc thi HotVTeen và được khá nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ.

Có rất nhiều cách lý giải cho việc ra đời các nghệ danh nửa nạc nửa mỡ như vậy. Tuy nhiên, do họ là những ngôi sao, được lớp trẻ ngưỡng mộ, yêu thích nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lớp trẻ.

Mốt “Tây hóa” nghệ danh ảnh 1

Chọn tên để gây chú ý nhưng thực chất khả năng của chính mình mới là yếu tố gây ấn tượng khẳng định tên tuổi lâu bền. Trong ảnh: Người đẹp Trương Tri Trúc Diễm trong một buổi đấu giá áo dài để làm từ thiện. Ảnh: Thành Nguyễn

Luật không cấm

Vấn đề đặt ra là những cái tên nửa Tây nửa ta của các thần tượng có sức ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ như thế có được pháp luật cho phép?

Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng Phòng Quản lý tổ chức biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu, ca nhạc (Cục Nghệ thuật biểu diễn), cho biết vấn đề này chưa có văn bản luật nào cấm cả. Do vậy, việc nghệ sĩ sử dụng nghệ danh như thế nào đang tùy thuộc vào ý thức cá nhân của họ, đồng thời cộng đồng cũng có cách giáo dục họ để hướng đến những nghệ danh mang tính văn hóa, truyền thống.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Văn hóa và Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM, cho biết: “Sở có mở cuộc vận động trong ca khúc không cho lời tiếng nước ngoài chen ngang vào lời tiếng Việt. Dù không có quy định về vấn đề này nhưng để bảo vệ tiếng Việt nên Sở mới vận dụng như thế. Với nghệ danh của nghệ sĩ cũng không có quy định nên đặt như thế nào. Vấn đề còn lại là dư luận nên tạo làn sóng phản đối. Tên tiếng Việt đẹp sao không dùng mà phải nửa Tây nửa ta như thế?!”.

ĐÔNG YÊN

Đừng quá “biến tấu” nghệ danh

Việc đặt tên của nghệ sĩ (hay nghệ danh) cũng là chuyện khá bình thường. Nghệ danh là khát vọng, là ước mơ hay là hình ảnh mà người nghệ sĩ nghĩ rằng mình sẽ may mắn khi mang tên ấy. Khi trở thành người nổi tiếng, nghệ danh sẽ trở thành tên gọi thường xuyên âm vang trong tâm tưởng của nhiều bạn trẻ. Điều đó sẽ dẫn đến chuyện một số bạn trẻ bắt chước hoặc “chế” theo tên gọi ấy. Có thể đấy là điều mà chính nghệ sĩ nổi tiếng  không lường trước khi họ chọn nghệ danh cho mình. Do vậy, khi đặt nghệ danh cũng cần lưu ý là dễ nghe nhưng đừng quá sốc vì tên gọi cũng phải mang tính văn hóa.

Dù có hiện đại bao nhiêu, nghệ danh cũng đừng quá “biến tấu” mà nên thể hiện tính truyền thống, đảm bảo sự hợp lý của ngôn ngữ tiếng Việt. Một số bạn trẻ muốn chọn tên để gây sốc nhưng thực chất khả năng của chính mình mới là yếu tố gây ấn tượng mãi.

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN

Tại sao là Noo Phước Thịnh?

Thịnh tên thật là Nguyễn Phước Thịnh, sinh ngày 18-12, rất cận ngày Noel nên gia đình quyết định đặt cho Thịnh nickname là Noel. Nhưng do bà ngoại và một số người lớn tuổi khác trong gia đình không còn răng nên đã gọi tắt là Nô. Tuy nhiên, cha mẹ Thịnh thấy cái tên Nô nghe rất “phủ định” nên đã quyết định thêm một chữ o nữa và trở thành Noo. Định hướng của công ty và cả Thịnh là muốn nghệ danh đi hát của Thịnh phải thể hiện đúng con người của Thịnh nhưng phải lạ, độc và dễ nhớ (!)

(Phát biểu của ca sĩ Noo Phước Thịnh tại một buổi ra mắt album mới đây) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm