Sức hấp dẫn và nước mắt trẻ em

Riêng cậu bé Đăng Khoa, với điệu nhảy đam mê theo thần tượng Michael thì run rẩy và không giấu được những giọt nước mắt ngay từ đầu buổi công bố kết quả. Khi nghe kết quả cuối cùng: Bị loại khỏi vòng chung kết, cậu bé đã khóc nấc, lảo đảo gần như ngã quỵ trên sân khấu.

Áp lực thành công cũng như thất bại trước đám đông là một thử thách lớn ngay cả với những người đã trưởng thành huống hồ đối với trẻ em.

Đành rằng đã xác định tham gia cuộc chơi, mọi thí sinh đều phải chấp nhận luật chơi, chấp nhận khả năng có thể bị loại. Đành rằng, kết quả thi là đánh giá trên thực lực, không thể vì thí sinh nhỏ tuổi hơn mà ưu ái.

Đành rằng phải tạo không khí gay cấn để tăng sức hấp dẫn cho trò chơi nhưng giá như ban tổ chức thận trọng hơn, tìm giải pháp, cách ứng xử câu khán giả tốt hơn là cách gây áp lực, căng thẳng đối với ứng viên còn trong độ tuổi thiếu niên.

Giá như MC Quyền Linh bớt tạo sự hồi hộp, căng thẳng kéo dài nặng trĩu lên trái tim bé bỏng của em Khoa. Giá như giám khảo Thúy Hạnh đừng gây hy vọng cho cậu bé bằng kiểu vòng vo bày tỏ tâm trạng thương cảm Khoa: “Tôi nhìn Đăng Khoa khóc mà tôi nghẹn lại”. Nhưng rồi ngay sau đó là quyết định: “Sự lựa chọn của tôi: Dương Mạnh Hòa”.

May mà giám khảo Thành Lộc ý thức được khi đưa ra quyết định. “Thật không có gì độc ác cho bằng người phán quyết cuối cùng. Độc ác hơn là để hai trái tim trên kia phải đập quá mạnh trong đó có một trái tim quá non trẻ” - anh nói.

Vòng chung kết Vietnam’s Got Talent còn tiếp tục với nhiều thí sinh nhỏ tuổi: Anh Minh (13 tuổi); Minh Anh (tám tuổi); Vũ Song Vũ (13 tuổi), Nguyễn Phương Anh (17 tuổi)… Hy vọng ban tổ chức cân nhắc thận trọng trong hành xử, đừng tạo sức hấp dẫn bằng nước mắt trẻ em.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm