Truyền hình thực tế nhân văn vẫn sống

Khoảng hai năm trở lại đây, những chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí được truyền thông đón nhận nhiều hơn: Cặp đôi hoàn hảo, Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model), Bước nhảy hoàn vũ, Song ca cùng thần tượng… và sắp tới là Vietnams Got Talent. Tuy nhiên, không ít khán giả truyền hình Việt là những người nghèo, kém may mắn trong xã hội. Vì thế, những chương trình truyền hình thực tế mang tính nhân văn vẫn âm ỉ sống với đời sống riêng, khán giả riêng không quá ồn ào trên mặt báo, mạng xã hội.

Nối dài nghị lực và ước mơ

Cho đến thời điểm này, rất hiếm chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí sống bền trong lòng khán giả. Thế nhưng những chương trình mang tính nhân văn như Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Câu chuyện ước mơ… đã làm được điều đó.

Sau sáu năm phát sóng, chương trình Ngôi nhà mơ ước đã trở nên quen thuộc với khán giả với giờ phát sóng vào tối thứ Bảy hằng tuần trên kênh HTV7. Trong sáu năm đó, chương trình đã giúp hơn 300 người nghèo có nhà. Hay Câu chuyện ước mơ với bốn năm lên sóng đã chắp cánh cho hơn 200 mảnh đời bất hạnh nhưng có ý chí vượt lên nghịch cảnh. Rồi Vượt lên chính mình trong tám năm phát sóng đã giúp hàng trăm hộ nghèo đổi đời bằng chính nghị lực của mình. Những nhân vật trong chương trình ban đầu chỉ là những người nghèo, người có hoàn cảnh kém may mắn trong phạm vi TP.HCM nhưng về sau chương trình đã lan đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây và cả miền Trung.

Và trong năm 2011, rất nhiều những chương trình truyền hình thực tế mang ý nghĩa xã hội như vậy tiếp tục ra mắt. Đó là Lục lạc vàng (hỗ trợ kinh phí vốn, giống và cách nuôi bò cho nông dân nghèo), Mong đợi một ngày vui (hỗ trợ kinh phí đám cưới cho các cặp đôi khó khăn), Bếp yêu thương (hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn của những gia đình khó khăn và những cá nhân hoặc nhóm làm thiện nguyện tổ chức bếp ăn cho người nghèo tại các bệnh viện…

Truyền hình thực tế nhân văn vẫn sống ảnh 1

Những nghệ sĩ tham gia chương trình truyền hình thực tế mang tính xã hội đều xác định đó không phải là nơi để khoa trương hay đánh bóng bản thân. Trong ảnh: Diễn viên Quyền Linh(ảnh phải, dưới), ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (ảnh trên, phải), ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, người dẫn chương trình Đỗ Thụy (ảnh trái)… trong những chương trình truyền hình thực tế: Vượt lên chính mình, Bếp yêu thương, Câu chuyện ước mơ. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Nghệ sĩ không khoa trương

Nhân vật chính trong những chương trình này không phải là những nghệ sĩ nổi tiếng mà là những người nghèo, khuyết tật. Những nghệ sĩ chỉ tham gia chương trình trong vai trò phụ.

Diễn viên Quyền Linh - người dẫn chương trình Vượt lên chính mình chia sẻ: “Khi tham gia chương trình, chứng kiến niềm vui của những mảnh đời bất hạnh, tôi rất vui và xúc động. Tôi nghĩ mình thật may mắn vì được dẫn một chương trình với những người tham gia có hoàn cảnh giống mình ngày trước”.

Để một nghệ sĩ sắp xếp được thời gian di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác vài tháng liên tục trong một năm với chương trình như diễn viên Quyền Linh, người dẫn chương trình Đỗ Thụy, Thanh Thảo… là việc không dễ. Hiện nay, “công thức” chung cho một số chương trình thực tế thường là trong mỗi tập sẽ có một nghệ sĩ tham gia chia sẻ tinh thần, vật chất với những hoàn cảnh kém may mắn trong chương trình. Dù không đồng hành suốt với chương trình nhưng những đóng góp nho nhỏ ấy cũng đem đến niềm vui và ý nghĩa riêng cho nhiều nghệ sĩ.

Diễn viên, người mẫu Bình Minh sau khi tham gia chương trình Bếp yêu thương tại Đồng Tháp đã chia sẻ: “Thật khó tả cảm giác được trực tiếp ra chợ xin từng phần rau củ quả và đứng chia thức ăn cho mọi người. Với không ít người, hạnh phúc chỉ đơn giản là mỗi ngày được no bụng. Dù khó khăn nhưng nhiều cô chú chỉ xin nhận lượng thức ăn vừa đủ khẩu phần mình để có thể dành thêm phần cho những người kém may mắn khác”.

Chọn làm những chương trình truyền hình thực tế mang ý nghĩa xã hội như trên nghĩa là nhà sản xuất đã tự chọn con đường khó cho mình bởi những chương trình như thế không thu nhiều lợi nhuận quảng cáo. Thứ đến, với những cảnh đời nghèo khó, kém may mắn, việc viết nội dung chương trình sao để không trùng lặp ý tưởng, làm khán giả nhàm chán là điều rất khó. Đặc biệt, khó không kém là chuyện nhà sản xuất phải thiết kế nội dung làm sao để khán giả không nghĩ rằng họ đang cố kéo khán giả bằng sự bi đát, éo le. Vậy nên tuổi đời của các chương trình thực tế chính là thước đo giá trị của nó trong lòng công chúng.

Tiếp nghị lực cho người bình thường

Các chương trình truyền hình thực tế không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong chương trình mà còn đem lại nghị lực cho khán giả trẻ.

Thành viên Ngô Đồng trên một diễn đàn du học tâm sự: “Mình không phải là một người quá yếu đuối và cũng không dễ xiêu lòng nhưng khi xem Ngôi nhà mơ ước, mình đã không cầm được nước mắt. Có nhìn thấy những hoàn cảnh éo le, những số phận nghiệt ngã và những con người không khuất phục số phận thì mới thấy những khó khăn của mình chẳng đáng là bao. Vẫn còn đó rất nhiều hoàn cảnh đáng thương nhưng họ vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào tương lai thì không có lý do gì để chúng ta, những con người lành lặn, khỏe mạnh lại có thể bi quan, bi lụy trong cuộc sống. Dẫu biết rằng phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta hãy luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi đẹp hơn.

Không chỉ chương trình Ngôi nhà mơ ước mà còn rất nhiều chương trình mang tính nhân văn khác. Tất cả đều mang cho chúng ta cảm giác đồng cảm với những số phận nghiệt ngã. Nếu bạn nào đang chán nản, thất vọng và bi quan thì hãy một lần xem những chương trình này. Mình nghĩ khi đó các bạn sẽ có một cái nhìn khác về cuộc sống”.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm