Vụ đấu giá từ thiện... ảo: Bộ tứ linh giá gốc bao nhiêu?

PV đã gặp ông Trần Văn Tuấn ở xã Đại Lào (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng), người nhận đã từng bán ba vật linh cho ông Hà. Ông Tuấn cho biết ông Võ Ngọc Hà là khách quen của ông nhiều năm nay và ông đã bán rất nhiều vật linh là rùa, rồng và phụng cho ông Hà.

Vụ đấu giá từ thiện... ảo: Bộ tứ linh giá gốc bao nhiêu? ảnh 1
Một nhân viên ngồi lên linh vật “quy” chụp ảnh kỷ niệm trước ngày bán đấu giá bộ tứ linh - Ảnh: CTV

Ông Hà đã đem ba vật linh nào trong số đó ra Hà Nội đấu giá thì ông Tuấn không nhớ nhưng thời gian mua, theo ông Tuấn, trong hai năm trở lại đây. Ông Tuấn kể: “Con lân và con rùa tôi tìm được ở rừng Đại Lào, còn con rồng thì ở dưới đèo Madagui”. Ông Tuấn cho biết để tìm được các vật linh này là rất kỳ công, phải vào nhiều khu rừng già tìm mua lại của những thợ đào cây và tuyển chọn lại.Về giá bán, ông Tuấn nói: “Đây là chuyện tế nhị, chú Hà là chỗ làm ăn, tôi có bán cho chú ấy nhưng giá cả thì không thể nói vì tôi sợ chú ấy trách”. Dù vậy, qua những gì ông Tuấn nói có thể thấy nếu đúng ông là người đã bán ba vật linh cho ông Hà thì giá cũng chỉ vài chục triệu đồng. Vì ông cho biết mình đã bán vật linh cho ông Hà theo từng xe, mỗi xe 5-6 gốc cây có hình dáng vật linh, với giá chỉ khoảng 15-30 triệu đồng. Do ba vật linh này không được bán trong một lần mà trong các chuyến khác nhau nên không thể định giá được từng cái.
Vụ đấu giá từ thiện... ảo: Bộ tứ linh giá gốc bao nhiêu? ảnh 2
Ông Võ Ngọc Hà, chủ nhân của bộ tứ linh, cầm búa gõ chỉnh sửa lại bộ “Long - lân - quy - phụng” trước ngày đấu giá - Ảnh: C.T.V.

Khi nghe thông tin ông Võ Ngọc Hà nói mình đã lặn lội suốt năm năm trời, được báo mộng mới tìm ra được bộ tứ linh chứ không phải đi mua lại, ông Tuấn nói ông không quan tâm lắm đến phát biểu của ông Hà. “Chú Hà cũng kỳ công đi từ Di Linh về đây gặp tôi để mua, gom góp nhiều năm trời mới có bộ tứ linh chứ đâu phải có một lúc nên cũng xứng đáng” - ông Tuấn khẳng định. Tuy nhiên, khi biết thông tin bộ tứ linh được đấu giá bạc tỉ, ông Tuấn sững sờ vì theo ông giá đó quá cao. Ông nói bản thân ông cũng đang sở hữu một bộ tứ linh bằng gốc gỗ gõ, to và đẹp hơn rất nhiều những vật linh đã bán cho ông Võ Ngọc Hà. Nhưng số tiền ông mua bộ tứ linh này chỉ vài chục triệu đồng. Hiện bộ tứ linh của ông Tuấn đang trong quá trình hoàn tác, ông tự nhận là “đẹp hơn rất nhiều bộ tứ linh của chú Hà” nhưng giá trị tối đa theo ông Tuấn là chỉ 400 triệu đồng. Ông Võ Ngọc Hà (chủ nhân bộ tứ linh): Sản phẩm nghệ thuật là vô giá* Dư luận nói bộ tứ linh hội tụ “Long - lân - quy - phụng” này ông mua từ những người khác chứ không phải tự tay tìm thấy? Và giá ông mua chỉ có 20 triệu đồng, nhưng đưa ra đấu giá đến... 40 tỉ đồng?- Tôi không mua, cũng không ai bán cả; chính tay tôi đi sưu tầm, tìm kiếm nó. Để cho đủ bộ tứ linh này không dễ dàng, tôi tìm vất vả suốt cả năm năm trời, từ năm 2005-2010, lội từ Suối Cát (Bảo Lộc) đến Hòa Bắc, Hòa Nam (huyện Di Linh)..., nơi các cánh rừng, sườn núi đến đầm lầy. Tôi săn tìm nó để thỏa mãn thú chơi cây - gỗ - đá cảnh của mình. Tôi để đấy thưởng thức, ai mua cũng không bán. Cho tới ngày Câu lạc bộ đá cảnh Đà Lạt vận động tôi đưa nó ra với dịp lễ lớn như “1.000 năm Thăng Long” thì tôi mới đưa đi, bỏ thời gian, công sức, tiền bạc và nghĩ đi vì “niềm tự hào, danh dự của tỉnh Lâm Đồng” với đại lễ này.Còn sản phẩm nghệ thuật, văn hóa thì vô giá, với người này có thể không có giá trị, xem như một khúc gỗ thôi, nhưng với người khác nó là vàng bạc châu báu là bình thường. Chính giới chơi lĩnh vực nghệ thuật đó mới thấy hết giá trị của nó. Người ta chẳng từng đấu giá những bức tranh hàng chục triệu USD đó sao. Và đấu giá một tác phẩm văn hóa, lại đấu giá để làm từ thiện, chứ có phải trong hoạt động đấu thầu kinh tế đâu mà có thẩm định, luật lệ. Còn với 20 triệu đồng, không đủ để mua tấm thảm nhung để bọc nó mà đưa từ Đà Lạt ra Hà Nội. * Trước khi đưa ra đấu giá, giá gốc ông ấn định với bên Công ty Asean C&C là 1 triệu USD?- Đúng thế, tôi có thể đưa anh xem hợp đồng. Nếu Công ty Asean C&C tìm đến thuyết phục tôi (chấp thuận việc đưa ra để giúp việc đấu giá) không vì mục đích từ thiện là tôi vẫn chỉ để vậy chơi. Ngay cả 1 triệu USD tôi ấn giá kia thì trong lòng cũng đã tính tới việc dùng để làm từ thiện riêng từ đồng bào lũ lụt đến hội người mù, hội da cam, quỹ người nghèo ở địa phương... * Tác phẩm của ông có xứng với giá... triệu đô?- Lâu nay tôi không hề muốn bán nó, xa nó. Trước đó người ta trả riêng linh vật “quy” (rùa) cả triệu đô tôi đã không bán. Khi ở Hà Nội, các đơn vị đã trao cho bộ “Long - lân - quy - phụng” của tôi một lúc bốn bằng khen, giấy chứng nhận.* Đến lúc này ông thấy sao khi cuộc đấu giá cho việc thiện đổ vỡ như vậy?- Tôi bị tổn thương, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự. Nhưng giờ cũng không biết phải làm sao nữa. * Sao ông không khiếu kiện với đơn vị chịu trách nhiệm mang tác phẩm tinh thần của ông ra đấu giá?- Tôi phản ứng, và liên lạc liên tục với họ về sự vụ. Nhưng họ cứ bảo do bên trúng đấu giá không có tiền. Những ngày sau liên lạc tiếp thì họ đổ thừa qua lại hoặc không nghe điện thoại.Tôi có tham vấn luật sư chuyện kiện, nhưng luật sư bảo kiện cũng không tới đâu. Giờ kêu chả biết kêu ai. Kiện thì không có cơ sở pháp lý, mà nếu có kiện cũng không khắc phục được sự việc đã đến thế, và vì họ cũng chỉ có cái “mình trần”. Cạnh đó, tôi tự nghĩ sự vụ ngoài ý muốn kia xảy ra đã đau đầu quá rồi, tự chịu đắng cay vậy, coi như bài học lớn, rút kinh nghiệm.

Bất ngờ khi nghe giá gốc chỉ... 20 triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Huệ - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - cho biết khi họp báo tại Công ty cổ phần đá quý Gia Gia, bà chỉ được mời với tư cách như một vị khách tới dự nghe thông tin chứ không có vai trò cụ thể trong ban tổ chức. Tại cuộc họp báo, bà chỉ nghe các bên thông tin cho báo chí về giá gốc của các sản phẩm được mang ra đấu giá, trong đó có bộ tứ linh bằng gỗ lũa. Ông Nguyễn Trung Thành - chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Asean C&C - đứng ra đại diện cho bộ sản phẩm, giới thiệu về nguồn gốc, các bằng khen, danh hiệu bộ sản phẩm này đạt được trong triển lãm sinh vật cảnh nhân 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và định giá khởi điểm là 40 tỉ đồng.

Bà Huệ cũng chia sẻ: trong buổi họp báo, có người đại diện cho một trong những bộ sản phẩm được mang ra đấu giá trong đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về đồng bào miền Trung đã gặp bà “ngã giá” rằng nếu bán được sản phẩm với giá cao sẽ “chi 30% hoa hồng” để làm từ thiện. Tuy nhiên bà đã nói rõ mục đích làm từ thiện phải rõ ràng, không thể nhân buổi lễ với danh nghĩa từ thiện rồi làm việc kinh doanh.Ông Đinh Gia Diên, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đá quý Gia Gia - đơn vị tài trợ và tổ chức buổi lễ, luôn khẳng định việc định giá sản phẩm, đưa ra giá khởi điểm để đấu giá như thế nào là hoàn toàn do chủ sở hữu các vật đấu giá chứ ông không có liên quan. “Mục đích của tôi là tổ chức đêm hội có sự tham gia của các hoa hậu, doanh nhân là thu hút sự chú ý và hi vọng thu được càng nhiều tiền giúp đồng bào miền Trung càng tốt” -  ông Diên nói.

Ông Nguyễn Trung Thành cũng bày tỏ sự bất ngờ khi nghe thông tin bộ tứ linh được mua với giá gần 20 triệu đồng. Ông Thành cho biết ông biết ông Võ Ngọc Hà - chủ nhân của bộ tứ linh - thông qua bạn bè trong triển lãm sinh vật cảnh tại Hà Nội. Sau triển lãm, ông Hà có gửi tại khu đất của ông Trung gần sân vận động Mỹ Đình và giới thiệu bộ sản phẩm trị giá “triệu đô”. Ông Thành không phải là người hiểu biết về sinh vật cảnh nên tin lời ông Hà - nghĩ tới việc làm thương hiệu cho bộ sản phẩm này để tham gia một phiên đấu giá nào đó lấy tiếng tăm. Việc định giá bao nhiêu thì sẽ có người mua lo, ông Thành không quan tâm và hai bên đã làm hợp đồng thỏa thuận. Biết thông tin về đêm Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung sắp được tổ chức, ông Thành đã liên hệ với ông Diên để thống nhất ý tưởng, kế hoạch thực hiện.Về việc đưa ra giá khởi điểm của bộ tứ linh là 40 tỉ đồng, ông Thành khẳng định giá khởi điểm trong phiên đấu giá không bắt buộc phải là giá gốc của sản phẩm. Vì được quảng cáo có tới 500 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và nhiều doanh nhân quốc tế tham dự nên đã “đẩy” giá gốc lên với mục đích là giúp đỡ được càng nhiều cho đồng bào miền Trung càng tốt. “Nếu thu được trên 40 tỉ đồng, chúng tôi sẽ trích số chênh lệch 20 tỉ đồng để đóng góp vào quỹ chất độc da cam, quỹ ủng hộ bệnh nhân bị bệnh tim... chứ không lấy về quá số tiền đã chi phí” - ông Thành khẳng định.

Ông Phạm Văn Đạt (người thắng đấu giá): “Tôi không hề biết giá trị thật”

Chiều 3-12, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Đạt - giám đốc Công ty gốm sứ Bảo Long (Bát Tràng, Hà Nội) - người thắng đấu giá bộ tứ linh hội tụ đêm 11-11 với số tiền 47,9 tỉ đồng - khẳng định tại thời điểm đấu giá, ông hoàn toàn không hề biết giá trị thật của bộ tứ linh này. Ông Đạt cho biết ông quen với ông Võ Ngọc Hà trong dịp triển lãm sinh vật cảnh nhân 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tổ chức hồi tháng 10-2010. Quan hệ cũng chỉ dừng ở chỗ quen biết chứ không chơi thân.Về việc một số thông tin cho rằng trước buổi đấu giá từ thiện, ông Đạt và ông Hà có trao đổi với nhau về việc tổ chức dàn cảnh mua bộ tứ linh, ông Đạt khẳng định không có chuyện đó.

Ông Đạt cũng cho rằng đối với những thông tin lùm xùm trên báo chí thời gian qua về chuyện đấu giá bộ tứ linh, ông cho biết do đang chuẩn bị đi công tác nên chưa có hướng giải quyết vấn đề này.Về các tờ giấy chứng nhận bộ tứ linh, ông Nguyễn Văn Mỹ - giám đốc Trung tâm đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng dân gian VN (đơn vị trực thuộc Hội Sinh vật cảnh TP Hà Nội) - thừa nhận sau triển lãm sinh vật cảnh, trung tâm có trao cho ông Võ Ngọc Hà một giấy chứng nhận tác phẩm xuất sắc. Giấy chứng nhận này được trao cho hơn 100 tác phẩm khác (mỗi địa phương tham dự được trao ba giấy chứng nhận xuất sắc cho ba tác phẩm). Ông Mỹ cho biết tiêu chí đánh giá tác phẩm xuất sắc dựa trên tạo hình và chất lượng của gỗ lũa.

Theo TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm