Vụ Lý Hương bị kiện: Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Vụ Lý Hương bị kiện: Nhiều khuất tất cần được làm rõ ảnh 1

Lý Hương (trái) cùng luật sư Edward Kratt trao đổi về vụ kiện. Ảnh: C.T.V

 Tony Lam gọi Lý Hương về VN
 
Theo luật sư Thúy Hường, năm 2005 Lý Hương và con gái Princess Lam (SN 2001, quốc tịch Mỹ) trở về VN nhằm giải quyết một vụ tranh chấp trong kinh doanh. Tony Lam và Lý Hương cùng nhau thuê mặt bằng mở cửa hàng thời trang tại quận 1 - TPHCM và thời điểm đó đang bị chủ nhà dọa kiện ra tòa. Việc kinh doanh do Tony Lam điều hành nhưng Lý Hương lại đứng tên cửa hàng.
 
“Chính vì thế mà Tony Lam đã gọi điện sang Mỹ yêu cầu vợ mình về VN giải quyết ổn thỏa vụ việc, tránh rắc rối”- luật sư Thúy Hường cho biết. Lúc này Princess Lam mới 4 tuổi, việc theo mẹ là điều đương nhiên khi trước đó Lý Hương cũng đã rất nhiều lần đưa con trở về VN thăm ông bà ngoại.
 
“Thật phi lý, Tony kiện Lý Hương và cho rằng cô bắt cóc trẻ con, trong khi Tony Lam gọi điện cho vợ cùng đưa con về VN và còn ra tận sân bay Tân Sơn Nhất để đón”- luật sư Thúy Hường phân tích.
 
Trong thời gian ở VN, hai vợ chồng tiếp tục gặp nhiều bất đồng và tình cảm không thể hàn gắn được nên Lý Hương đã nộp đơn ly hôn ra tòa. Bà Hường còn cho biết thêm: Tại phiên tòa ở Mỹ, công tố viên không nói tới bản án sơ thẩm tại TAND TPHCM năm 2007 hay việc Tony Lam ký vào biên bản đồng ý tham dự phiên tòa là không thỏa đáng.
 
Việc Tony Lam khăng khăng rằng gia đình Lý Hương có thế lực tại TPHCM nên dễ dàng điều khiển phiên tòa theo ý muốn của gia đình cũng rất thiếu căn cứ và vô lý. Ông thẩm phán sau khi nghe luật sư của Lý Hương trình bày về quy trình tố tụng tại VN cũng đã hiểu ra phần nào.
 
Lưu ý thủ tục thương lượng
 
Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TPHCM), người nhận bảo vệ quyền lợi cho ông Tony Lam tại phiên xử ly hôn ở TAND TPHCM năm 2007,  cho rằng vụ việc không đơn thuần liên quan đến hôn nhân gia đình, mà là vụ án hình sự.
 
“Lý Hương bị cáo buộc và bị bắt giữ tại Mỹ vì bị Tony Lam tố cáo “bắt cóc trẻ con”, luật sư Kính nói và cho rằng bồi thẩm đoàn tại tòa sẽ chỉ xem xét đến việc Lý Hương có tội hay không có tội. Ông Kính phân tích: Tony Lam xin án lệnh được quyền nuôi con sau khi Lý Hương đã đưa con về VN.
 
Chính vì thế để có thể được tuyên vô tội, luật sư bào chữa cho Lý Hương cần chứng minh được rằng Tony Lam biết và đồng ý về việc này. Trường hợp Tony Lam không biết việc Lý Hương đưa con về VN thì có thể lý giải việc đó là do phong tục (ở VN người mẹ thường đưa theo đứa con còn nhỏ của mình để tiện chăm sóc), không hiểu về luật pháp Mỹ nên vô tình phạm tội.
 
Theo luật sư Kính, Luật Hình sự của Mỹ có quy định thủ tục “bargaining” (thương lượng) diễn ra trước khi tuyên án sơ thẩm. Theo thủ tục này thì luật sư của Lý Hương có thể đề nghị với phía công tố viên rằng vụ việc do vô tình và thân chủ của mình có nhân thân tốt, không am hiểu pháp luật,... để đề nghị đưa ra hình thức phạt tiền hoặc đề nghị xử với mức nhẹ hơn nhiều so với quy định. Theo thống kê số vụ kháng cáo của bị cáo thành công tại Mỹ hàng năm chỉ vào khoảng 20%.
 
Theo luật sư Thúy Hường, việc củng cố chứng cứ thời gian tới sẽ tập trung vào việc Tony Lam biết và đồng ý để Lý Hương về nước và sau khi xảy tranh cãi mới dẫn tới việc đưa nhau ra tòa.

Tiền lệ không tốt cho cô dâu VN

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, vụ việc của diễn viên Lý Hương rất dễ trở thành tiền lệ không tốt cho rất nhiều cô dâu VN đang sinh sống tại các nước mà VN chưa ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp.
 
Ông Hậu dẫn chứng bằng việc bản án của tòa sơ thẩm TPHCM năm 2007 đã không được tòa bên Mỹ đưa ra xem xét trong phiên xét xử vừa rồi.
 
“Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao VN cần sớm có những động thái đẩy nhanh tiến độ ký hiệp định này, bởi điều đó sẽ bảo đảm quyền lợi cho công dân của cả hai nước trong xu thế hội nhập hiện nay”- luật sư Hậu nói.


 
 
Theo Thế Kha (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm