Tiềm lực vũ khí hạt nhân của các nước mạnh cỡ nào?

Hơn 20 quốc gia trên thế giới đã sở hữu điện hạt nhân nhưng chỉ một số nước sở hữu vũ khí nguyên tử hoặc bị nghi ngờ theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cho tới nay, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan được tin là đã sở hữu vũ khí hạt nhân; Israel bị nghi sở hữu; Triều Tiên không giấu giếm tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử, còn Iran bị nghi đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Mỹ

Mỹ đã tiến hành các vụ thử hạt nhân nhiều hơn tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại và là nước duy nhất dùng vũ khí hạt nhân trong chiến đấu. Mỹ cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất có các vũ khí được triển khai tại các quốc gia khác: Thông qua chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO, bom nguyên tử được triển khai tại Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông qua các hiệp ước khác nhau, Mỹ và Nga - hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh - đã hợp tác để giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, vốn là 2 kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Cả hai nước đều có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên không và trên biển.

Tính tới tháng 12/2012, Mỹ ước tính có tổng cộng 7.650 vũ khí hạt nhân, trong đó khoảng 2.150 vũ khí hoạt nhân chiến lược, 2.500 vũ khí hạt nhân dữ trự và thêm 3.000 vũ khí nữa đã được cho “về vườn” và chờ bị giải giáp, theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS).

Mỹ tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên năm 1945. Cho tới nay đã tiến hành tổng cộng 1.054 vụ thử nghiệm và vụ thử gần đây nhất diễn ra năm 1992.

Nga

Nga tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên năm 1949 và vụ thử gần đây nhất diễn ra năm 1990. Cho tới nay, Nga đã tiến hành 715 vụ thử hạt nhân.

Tính tới tháng 12/2012, Nga được cho là sở hữu tổng cộng 8.420 vũ khí hạt nhân, trong đó 1.720 vũ khí hạt nhân chiến lược , 2.700 vũ khí hạt nhân dự trữ và thêm 4.000 vũ khí bị cho "về vườn" và đang chờ giải giáp. 

Anh

Anh đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 1952. Cho tới nay, Anh đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân và vụ thử mới nhất diễn ra năm 1991.

Ước tính, Anh có tổng cộng 225 vũ khí hạt nhân, trong đó gần 160 vũ khí hạt nhân chiến lược và 65 vũ khí hạt nhân dự trữ. Tất cả các vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được dùng cho tàu ngầm hạt nhân - cơ chế phóng vũ khí hạt nhân duy nhất của nước này, vì vào năm 1998, Anh đã cho “về vườn” tất cả các vũ khí hạt nhân được triển khai từ trên không.

Pháp
 
Pháp sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, mặc dù kém xa so với Mỹ và Nga. Sau một bản đánh giá quốc phòng theo yêu cầu của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Pháp đã phá huỷ các vũ khí hạt nhân triển khai trên đất liền vào năm 1996 và giảm tổng số lượng vũ khí hạt nhân xuống 50%.

Hiện nay, Pháp có tổng cộng 300 vũ khí hạt nhân, với 240 trong số đó sẵn sàng được dùng cho 5 tàu ngầm hạt nhân, trong khi 50 vũ khí còn lại sẵn sàng để triển khai trên máy bay. 10 vũ khí hạt nhân đang được bảo dưỡng hoặc chờ giải giáp.

Trung Quốc

Tham vọng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1950 sau khi Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới Thái Bình Dương trong Chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 1964 và cho tới nay đã tiến hành 45 vụ thử, trong đó vụ thử mới nhất diễn ra năm 1996.

Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Tính tới tháng 12/2012, Trung Quốc có khoảng 240 vũ khí hạt nhân, trong đó 180 có thể được dùng cho các máy bay và các tên lửa phóng từ mặt đất. 

Ấn Độ

Ấn Độ đã quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình sau khi Trung Quốc tiến hành các vụ thử hạt nhân vào giữa những năm 1960. Ấn Độ tiến hành thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 1974 và cho tới nay đã tiến hành 6 vụ thử, với vụ thử gần đây nhất diễn ra năm 1998.

Ước tính, Ấn Độ có khoảng 80-100 vũ khí hạt nhân. Ấn Độ hiện sở hữu các tên lửa và máy bay có thể triển khai vũ khí hạt nhân và đang tìm cách bổ sung các tàu hải quân vào chương trình hạt nhân. Giống như đối thủ lâu đời - Pakistan, Ấn Độ cũng đang tìm cách phát triển thêm các vũ khí hạt nhân.

Pakistan

Vào năm 1972, sau cuộc chiến tranh thứ 3 với Ấn Độ, Pakistan đã bí mật quyết định khởi động chương trình hạt nhân để đuổi kịp Ấn Độ. Pakistan đã đáp trả các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1998 bằng việc tuyên bố đã kích nổ 6 thiết bị dưới lòng đất tại khu vực Chagai gần biên giới Ấn Độ.

Ước tính, Pakistan có tổng cộng 90-110 vũ khí hạt nhân dự trữ. Tất cả các vũ khí hạt nhân này đều có thể được mang bằng máy bay hoặc tên lửa phóng từ đất liền. Tuy nhiên, Pakistan chưa có khả năng phóng vũ khí hạt nhân từ trên biển.

Triều Tiên

Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, vụ thử đầu tiên năm 2006 và gần đây nhất là tháng 2 năm nay.

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên hiện sở hữu số plutonium đủ cho 10 vũ khí hạt nhân, nhưng được tin là chưa làm chủ công nghệ phóng các vũ khí này.

Israel

Israel không xác nhận hay bác bỏ các tin đồn rằng nước này đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Israel được cho là sở hữu 80 vũ khí nguyên tử và có đủ plutonium cho khoảng 200 vũ khí hạt nhân, theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS).

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 1998, cựu Thủ tướng Israel Shimon Peres cho hay Israel đã bắt đầu phát triển một “phương án hạt nhân” vào những năm 1950 để đề phòng chiến tranh. Trung tâm của chương trình vũ khí hạt nhân của Israel được cho là đặt tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev gần thị trấn sa mạc Dimona, miền nam Israel.

Iran

Trong thập niên qua, thế giới đã lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Vào tháng 11/2011, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ra một báo cáo nói rằng cơ quan này có những lo ngại nghiêm trọng và sở hữu thông tin đáng tin cậy rằng Iran có thể đang các phát triển vũ khí hạt nhân.

Iran vẫn khẳng định nước này chỉ làm giàu uranium để phục vụ mục đích dân sự, nhưng phương Tây nghi ngờ Cộng hoà Hồi giáo đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo từ những năm 1980 và có số lượng tên lửa được triển khai lớn nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các tên lửa này không có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Theo An Bình (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm