6.000 đôla một suất vào lớp một trường điểm trái tuyến

Nếu 31.7, thời điểm các trường ở TP.HCM công bố danh sách tuyển sinh lớp một, là đích đến thì khoảng thời gian này chính là giai đoạn nước rút của cuộc đua giành một chỗ học như ý cho con giữa các bậc phụ huynh.

Rao bán công khai trên mạng

Ngày 22.7, trên trang web RV xuất hiện lời rao: “Tụi mình là nhóm giáo viên, cán bộ địa phương thuộc diện được cấp ưu tiên một số suất học cho con em theo học ở trường L. (quận 3), N. (quận 1), L. (quận 1), L. (Phú Nhuận). Do không có con cháu có nhu cầu vào lớp một năm học này, nên tụi mình muốn nhượng lại cho phụ huynh nào có nhu cầu. Liên hệ tụi mình qua email: tranvan…@yahoo.com”. Không chỉ có trên RV, chúng tôi bắt gặp những nội dung rao bán suất học tương tự trên nhiều trang tin điện tử khác, như: “nhượng suất lớp một trường tiểu học C.”, “cần nhượng một suất xin vào lớp một trường tiểu học T.”, “suất học cho bé vào lớp một trường T.” v.v…

Chúng tôi thử liên hệ với chủ nhân của một trong những email trên, với lý do muốn cho con được vào học tại các trường ở quận 1 hoặc quận 3 cho dễ đưa đón. Ngay lập tức, chúng tôi nhận được phản hồi: “Anh định cho cháu học trường nào? Tôi có thể khẳng định để anh an tâm rằng đây là những suất học dành cho con em cán bộ quận. Bọn này không có con học lớp một nên mới nhượng lại.

Hiện còn hai suất N., giá 2.000 USD/suất. Tạm thời anh liên lạc qua email này…” Chủ nhân email trên còn cho biết, chỉ cần chi tiền, mọi thủ tục vào trường sẽ được lo trọn gói.

Các suất học được rao bán thường tập trung tại các trường “có thương hiệu”, phù hợp với tâm lý của phụ huynh là muốn con được học tại trường “có tiếng” hay những trường nội thành để tiện đưa đón. Trong khi đó, vì số lượng học sinh dồn về quá đông, điều kiện phòng ốc của nhà trường hạn chế nên không giải quyết nổi. Chẳng hạn, năm nay trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) cắt hai lớp nên chỉ còn 10 lớp, mỗi lớp 40 học sinh và đến nay đã nhận đủ chỉ tiêu. Thứ tự ưu tiên tuyển sinh là con của cán bộ trong ngành, có hộ khẩu, KT3 ở quận sau đó mới nhận học sinh trái tuyến.

Tại các trường học có “thương hiệu” khác như tiểu học N., tiểu học L.… cũng đang bị quá tải vì số lượng hồ sơ đăng ký học. Riêng trường tiểu học N. hiện chỉ còn 40 suất nhưng có hơn 300 đơn ngoài tuyến, trong đó 40% học sinh ở quận khác xin vào học. Các phụ huynh cho biết do trường ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu trước sau đó mới đến diện KT3 nên buộc họ phải xoay xở đủ cách mới mong con có chỗ học.

Chạy hộ khẩu + trường điểm = 6.000 USD

Theo xác nhận của nhiều phụ huynh, ngoài việc rao bán và mời gọi trên mạng, nhiều người trong số họ còn được gợi ý để chạy cho con được vào trường điểm một cách danh chính ngôn thuận bằng việc… chạy hộ khẩu! Gặp chị Huệ trước cổng trường tiểu học L. (quận 3) với khuôn mặt buồn nản vì chậm chân trong việc đăng ký con vào học trường này, chị cho biết chị mới nhập KT3 ở quận 3 đầu năm nay. “Có người gợi ý tui nên tìm cách nhập hộ khẩu cho con thì chắc ăn hơn KT3, nhưng không biết còn kịp không”, chị Huệ rầu rĩ.

Cũng chạy đôn chạy đáo để kiếm cho con một chỗ học tốt tại trung tâm thành phố, chị Trần Bích ở phường 3, quận 8 cho hay có người ngã giá mỗi một suất là 4.000 USD để chuyển hộ khẩu. Chị còn cho biết có người báo giá muốn xin vào trường H. quận 1 thì 10.000 USD/bé, vào trường T. thì 6.000 USD bao chuyển hộ khẩu và thủ tục xin vào trường. Chị nói: “Họ biểu phải ứng trước 2.000 USD nhưng lại không có cam kết bảo đảm nên tui thấy lo. Do vậy tôi chọn cách khác”.

Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, hiệu trưởng trường tiểu học Lương Định Của, xác nhận: kết thúc đợt tuyển sinh, trường tiểu học Lương Định Của phát hiện được trường hợp có sáu học sinh cùng hộ khẩu nhưng mang các họ khác nhau đăng ký học. Theo bà Hạnh, mọi năm trường cũng phát hiện một vài trường hợp hai trẻ cùng hộ khẩu nhưng khác họ đăng ký học tại trường. Nói về việc này, ông Lê Trường Kỳ, trưởng phòng Giáo dục quận 3, cho biết: “Phòng giáo dục chỉ căn cứ vào việc ai có hộ khẩu thì cho người đó vào học!” Còn theo ông Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng Giáo dục tiểu học sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, theo phân cấp, UBND quận, huyện ban hành quy định tuyển sinh đầu cấp ở lớp một và người thực hiện là trưởng phòng giáo dục quận, huyện. Nếu chuyện mua bán suất học có xảy ra thì UBND, phòng giáo dục quận, huyện chịu trách nhiệm xử lý.

Theo Trung Dũng ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm