Áp lực thi cử đang đè nặng giới trẻ

TS Quách Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường LiMA, dẫn câu chuyện của một cô gái (bạn học của con gái bà). Cô bé học giỏi, chưa bao giờ biết đứng hạng nhì nhưng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô bé chạy đến nhà bà rồi khóc như mưa. Lý do duy nhất là cô bé làm bài không như ý. Bà Nguyệt phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ tư vấn, an ủi, nói chuyện tâm lý, cô bé mới chịu nín. “Sắp tới đây, các trường ĐH, CĐ công bố kết quả thi sẽ xảy ra nhiều chuyện đau lòng vì cơn sốc tâm lý này” - bà Nguyệt cảnh báo.

Chuyên gia tâm lý, giáo dục Trần Năng Thể phân tích: Do đất nước ta từ lâu đã coi trọng học vị, cha mẹ có thể làm tất cả để lo cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Theo ông Thể, ở Pháp người ta không coi thường một nghề nghiệp nào. Giới trẻ ở đó nếu không đậu vào ĐH, xã hội vẫn mở cửa cho họ nhiều hướng. Trong khi đó ở Việt Nam, thi rớt ĐH được xem như cuộc đời đã bị đóng lại.

“Và khi áp lực xã hội, gia đình đè nặng, cá nhân người trẻ sẽ mất hết khả năng tự giải quyết, tự chọn… Họ thiếu điều kiện “ra riêng”, độc lập. Đây là tình trạng vong thân đáng sợ” - ông Thể nhận định.

Trước những áp lực trên, người trẻ sẽ làm tất cả để thi đậu ĐH. Họ phải sống trong tình trạng căng thẳng liên tục và lũy tiến, nghĩa là mức độ căng thẳng ngày càng cao lên gấp nhiều lần: lo âu, sợ hãi trước thất bại mang tính định mệnh: thi rớt. Họ xem thi đậu ĐH là lẽ sống duy nhất nhưng khi thi rớt thì cái lẽ sống đó mất đi, họ đau khổ và tìm đến cái chết để thoát cái đau khổ. Đây là một logic rất tự nhiên.

ĐẶNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm