Bài 1: Dập dìu “cò”

Một số lời rao bán học bổng trên các trang web rao vặt. Ảnh: Vĩnh Huy

Một số lời rao bán học bổng trên các trang web rao vặt. Ảnh: Vĩnh Huy

“Ai mua học bổng không?”

Không khó để bất kỳ ai muốn mua cho mình một suất học bổng có thể tìm thấy thông tin rao bán loại “hàng” đặc biệt này trên mạng. Vào bất kỳ trang web rao vặt phổ biến nào, cũng dễ dàng đọc được những lời mời chào hấp dẫn. Có lời mời công khai như: “Cần bán một thẻ học bổng chương trình “Công dân điện tử” e-Citizen tại Itechpro”; “Cần bán học bổng tiếng Anh trường quốc tế Sibme”; “Bán rẻ lại một suất học bổng hè ở Singapore”; “Bán một số suất học bổng du học diện toàn phần và bán phần ở Mỹ, Anh, Nga, Úc”; “Có ai mua học bổng của Anh ngữ London không?”...

Cũng có những lời chào mời kín đáo hơn, ẩn núp trong những thông tin giới thiệu học bổng của các công ty môi giới du học: “Cơ hội nhận học bổng du học đại học do chính phủ nước ngoài cấp dành cho học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp THPT”; “Cơ hội sở hữu học bổng lên đến 70% học phí”... Đi kèm với những lời rao bán này là số điện thoại và địa chỉ email để người mua liên hệ.

Theo ghi nhận của chúng tôi trên một số trang web rao vặt và diễn đàn du học sinh, ngoài số “cò” bán học bổng đang ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng còn có khá nhiều “cò” đang du học ở nước ngoài cũng chào hàng rất rôm rả. Giá bán các suất học bổng cũng rất vô chừng. Có những suất “giá bèo” chỉ vài triệu đồng nhưng cũng có suất lên đến hàng ngàn USD. Thậm chí cùng một loại học bổng Anh văn ngắn hạn sáu tháng ở trường đại học RMIT của Singapore, có “cò” chào giá chúng tôi 5.000 USD, có “cò” bán chỉ 4.000 USD.

Chọn ngẫu nhiên “dịch vụ” của một “cò” tên Thành, trưa ngày 7.7 chúng tôi đến địa điểm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) để coi “hàng” theo đề nghị của “cò” này.

Ngã giá với “cò”

Phóng viên đang xem giấy chứng nhận các suất học bổng của “cò” Thành (đội mũ bảo hiểm). Ảnh: Lê Hồng Thái
Phóng viên đang xem giấy chứng nhận các suất học bổng của “cò” Thành (đội mũ bảo hiểm). Ảnh: Lê Hồng Thái

Không cần cảnh giác, vừa gặp, Thành đã vào thẳng vấn đề: “Anh muốn mua học bổng loại nào? Hiện chỉ còn mấy cái học bổng ngắn hạn về quản trị mạng, kinh doanh với Anh văn thôi. Nếu cần xài tôi để giá rẻ cho”. Nói rồi, Thành cúi xuống ba lô, lấy ra một mớ giấy tờ xác nhận học bổng để làm tin. Ngoài một giấy báo trúng tuyển học bổng của trường Pacific Unicollege (Singapore) mà Thành bảo đã có người đặt cọc mua với giá 6.000 USD, còn có một giấy xác nhận một suất học bổng Anh văn hai năm của hội Việt - Mỹ và một giấy chứng nhận học bổng quản trị mạng của trường Sài Gòn CTT.

Theo giới thiệu của Thành, đây là những suất học bổng của mấy người bạn thân vì bận làm luận án tốt nghiệp và lại kẹt tiền nên nhờ bán giùm. Thấy chúng tôi săm soi khá lâu tờ giấy chứng nhận học bổng của trường Sài Gòn CTT, Thành gạ gẫm: “Nếu anh ưng mua cái này, tôi bớt cho một trăm (100 USD - PV). Học bổng này mua xong học liền, không phải kiểm tra trình độ gì hết. Chừng nào anh xong thủ tục nhập học, tôi mới nhận tiền”. Lấy cớ không có nhu cầu mua mấy suất học bổng “bình dân” này, chúng tôi đặt vấn đề muốn mua một suất học bổng du học về chuyên ngành quản trị kinh doanh ở châu Âu. Thành chậc lưỡi: “Loại này bây giờ khó kiếm lắm. Tôi còn mấy mối đặt mua từ năm 2007 mà chưa có đây. Nếu ông anh cần thì thử đến mấy công ty du học xem sao”.

Giúi vào tay Thành 50 ngàn đồng tiền “cà phê”, chúng tôi rút êm sau khi hứa sẽ “tiếp thị” giùm những suất học bổng này với bạn bè.

“Học bổng gì cũng có bán!”

Đó là khẳng định chắc nịch của một “cò” du học có nickname trên mạng là: candyweess. Trao đổi qua yahoo messenger tối ngày 12.7, “cò” này cho biết đang ở Hà Nội nhưng có mạng lưới ở khắp ba miền, có thể giúp chúng tôi tìm được những suất học bổng như ý muốn nhanh chóng. Theo candyweess, những suất học bổng “bình dân” (ngắn hạn, không ghi danh người học) thường do các học sinh, sinh viên giỏi đi “săn” rồi bán lại như một cách làm thêm để trang trải học phí. Vì vậy mà nguồn “hàng” diện này luôn dồi dào. Chỉ riêng với những suất học bổng du học được coi là “hàng độc”, hơi khó tìm nên phải chờ một thời gian.

Trả lời nghi ngờ của chúng tôi: “Học bổng du học đều cấp cho đích danh những người được nhận, làm sao có thể mua được”, “cò” này giải thích hiện nay có ba dạng học bổng du học. Dạng đi do ngân sách cấp, phải qua xét tuyển rất công phu nên người mua bắt buộc phải đáp ứng những điều kiện học bổng đưa ra.

Sau đó, “cò” sẽ giúp để được ưu tiên khi xét duyệt hồ sơ (dạng này còn gọi là mua quyền ưu tiên xét cấp học bổng - PV). Dạng thứ hai là những học bổng không “rót” về bộ Giáo dục và đào tạo mà đi qua các hiệp hội, các bộ ngành, trường đại học… của các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục nước ngoài.

Những học bổng dạng này hầu hết mang tính ngoại giao nên việc xét chọn không quá khắt khe, chỉ cần người mua có trình độ ngoại ngữ tương đối là có thể đi được. Dạng học bổng thứ ba khá phổ biến hiện nay là những suất học bổng mang tính chất khuyến mãi của các trường đại học nước ngoài dành cho đối tác là những công ty du học ở Việt Nam. “Học bổng loại này thì dốt đi học cũng được. Chỉ cần có tiền là mua vô tư”, candyweess nói thẳng.

Một số lời rao bán học bổng trên các trang web rao vặt. Ảnh: Vĩnh Huy
Một số lời rao bán học bổng trên các trang web rao vặt. Ảnh: Vĩnh Huy

Theo Vĩnh Huy ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm