Bốn cách giúp con ứng phó khi đi lạc

Vụ việc cháu bé 10 tuổi ở Đồng Nai bị người lạ chở đi rồi bỏ giữa đường, không tìm được đường về, một lần nữa khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài viết của ThS giáo dục học Nguyễn thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM. 

Cách đây vài năm, gia đình tôi cũng đã một phen "hết hồn hết vía" khi hai bác họ dắt cậu cháu trai năm tuổi đi chơi Suối Tiên. Khi ông bà đang say mê xem chương trình biểu diễn thì đột nhiên không thấy cậu bé đâu. Cả hai lao đi tìm, gặp ai cũng hỏi, cũng mô tả vóc dáng nhưng biển người quá đông, không ai để ý. Ông bà hoảng loạn, đến quầy thông tin nhờ báo loa toàn khu du lịch để tìm. Cuối cùng, một người tốt bụng đã dắt bé đến nơi quầy thông tin. Ông bà nhìn thấy cháu thì vừa khóc, vừa quát, cậu bé thì cũng khóc lóc và sợ hãi đến mức gần như lả đi. Sau này hỏi rõ nguyên do thì cậu kể, cậu thấy người ta ăn kem, cậu đi theo, người ta hỏi cậu muốn ăn kem à, cậu gật thế là họ dắt đi mua kem cho ăn. Người đó không làm gì xấu với cậu nhưng sau khi ăn kem xong thì cậu không thấy ông bà, cậu khóc, người ta hỏi, cậu chỉ nhớ tên cậu mà thôi, không có cách nào khác, họ đành đưa cậu tới giao ở quầy thông tin.

Thực tế, không phải trẻ con nào rơi vào tình huống trên cũng may mắn như vậy. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chỉnh sửa lại một số cách thức dạy trẻ không bài bản và khoa học từ trước tới nay để khi rơi vào tình huống rủi ro, trẻ có thể xử lý tốt hơn.

1. Nên cập nhật cho trẻ từ tuổi lên hai

Nhiều cha mẹ chỉ "dạy" bằng cách quát không ngừng khi đi ra ngoài: Không đi lung tung, lạc bây giờ! Muốn ông kẹ bắt cóc không? Sự cảnh báo này gia tăng nỗi sợ cho trẻ mà không giúp ích gì nếu trẻ rơi vào tình huống đi lạc do chính lỗi của cha mẹ.

Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với trẻ hằng ngày về "người quen", "người lạ' và "không thấy cha mẹ".  

2. Cách ứng xử cụ thể với người lạ

Ví dụ: Khi đi ra đường, chỉ một người ngẫu nhiên và hỏi trẻ: Đó là ai? Có phải cha không? Có phải mẹ không? Nếu họ dắt con đi, con có theo họ không? Họ cho con kẹo, con có đi theo họ không? Họ cho con đồ chơi, con có theo họ không? Tất nhiên, tất cả các câu trả lời của trẻ phải được đảm bảo là: Không. Lưu ý thêm ở đây, nhiều cha mẹ dạy con không trò chuyện với người lạ là không đúng vì có người rất thân thiện, tử tế. Điều cần dạy trẻ chính xác là: Không đi theo người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ.

3. Ghi chú các thông tin cơ bản lên người con

Hoặc dạy con học thuộc: tên cha mẹ, số điện thoại. Cha mẹ nước ngoài có nhiều sáng kiến: khi con bé xíu thì họ đeo một chiếc vòng có viết tên cha mẹ và số điện thoại để người nào nhìn thấy con có thể gọi giúp. Có người thì ghi các thông tin này ở bên trong chiếc giày, trong tay áo…

Người lớn ở Việt Nam nhiều khi không có kinh nghiệm kiểm tra các vị trí này thì cần chỉ thêm trẻ một thao tác: Chỉ người khác vị trí thông tin. Trẻ từ ba tuổi, cha mẹ dạy con thuộc lòng các thông tin trên kèm theo cả các biện pháp ghi chú như đã nói.

4. Trước khi và trong khi ra ngoài, hãy hỏi trẻ: Nếu con không thấy cha mẹ xung quanh thì con làm sao? Cha mẹ hãy chắc chắn là con ghi nhớ các nguyên tắc quan trọng sau: Đứng yên tại chỗ để cha mẹ quay lại tìm. Kêu thật to tên cha mẹ. Nếu ai dừng lại đề nghị giúp đỡ thì đọc tên cha mẹ, số điện thoại và nói "Cô/chú gọi cha mẹ giúp con", tuyệt đối không đi theo họ.

Việc trẻ kêu tên không chỉ giúp cha mẹ nghe thấy tiếng con mà tìm, cũng là cách thu hút sự chú ý của mọi người, kẻ xấu thường e ngại những đứa trẻ đã được nhiều người xung quanh chú ý. Dạy thêm trẻ, ai lôi kéo mình đi thì phải gào to lên: Tôi không đi, tôi không đi, không phải cha, không phải mẹ. Tình huống tệ nhất gặp người xấu thì cách này có thể khiến mọi người xung quanh can thiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm