Buổi trưa khác lạ ở trường học '3 riêng' về bán trú

Ngay sau đó, không ai bảo ai, các em bắt đầu xếp hàng, di chuyển trật tự đến khu vực ăn trưa dưới sảnh, nơi có các bàn ăn và chồng ghế đặt sẵn ở từng bàn.

Em nào đi trước, lấy khay và đồ ăn trước rồi bưng khay ăn đến bất kỳ bàn nào tùy thích để ngồi ăn. Cứ như thế, từng hàng, từng hàng đến lấy khay ăn, suốt quá trình này không có một giọng nhắc nhở qua micro hoặc tiếng thúc giục nào của các giáo viên, nhân viên.

Các giáo viên được phân công dù vẫn thướt tha tà áo dài cũng nhanh tay mặc thêm một chiếc áo khoác đồng phục mỏng bên ngoài rồi đến khu vực ăn để quan sát, theo dõi học sinh (HS).

HS xếp hàng chờ lấy thức ăn vào khay trước khi mang ra bàn ngồi 

Những em nào học lớp trên hoặc chưa thấy đói thì ra sân bóng phía sau vận động một lúc rồi vào rửa tay, nối tiếp hàng HS đang chờ lấy để đồ ăn trước đó. Hàng dài HS kế tiếp nhau nối ra tận sân bóng.

 HS ngồi ăn kín các dãy bàn

Đó là cảnh diễn ra hằng ngày tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP.HCM). Đây là một trong rất ít trường tại TP.HCM có 100% HS bán trú với ba khu vực riêng biệt về ăn trưa, học tập và ngủ trưa tại trường.

Sau khi ăn xong, từng em chủ động dọn khay ăn, ghế của mình vào chỗ cũ, vệ sinh và lần lượt trở về phòng nghỉ trong trật tự.

Bàn nào ăn xong là gọn bàn đó 

Em xong trước vào trước, em ăn sau vào sau nhưng đến đúng 11 giờ 45, sảnh ăn trở về hiện trạng ban đầu, yên tĩnh, gọn gàng và sạch sẽ, không hề có sự lộn xộn, vương vãi đồ ăn hay rác ra sàn.

Sau đó khoảng 15 phút, trường học trở nên yên lặng, tất cả HS đã về khu vực phòng ngủ ở tầng hai và ba để ngủ trưa. Mỗi phòng được trang bị hệ thống giường hai tầng liên thông, quạt và phản gỗ, gối đáp ứng cho 100 chỗ ngủ, nam và nữ là hai khu vực khác nhau.

Khu vực ngủ trưa của HS  

 Toàn cảnh phòng ngủ riêng biệt của HS được thiết kế theo giường tầng

Đến 13 giờ 15 phút, HS sẽ thức giấc, làm vệ sinh cá nhân và vận động để chuẩn bị vào buổi học chiều.

Buổi trưa tại ngôi trường này từ nhiều năm nay đã diễn ra như thế. Như hiệu trưởng nhà trường TS Nguyễn Thành Phát, nói: “Nó đã trở thành nề nếp, thói quen và ý thức tự giác của toàn thể HS, cán bộ và công nhân viên trong nhà trường. Không chỉ giờ ăn, tất cả hoạt động khác của trường đều như thế”.

Mặc dù khuôn viên, phòng ốc của trường đã cũ và hạn hẹp nhưng nhà trường đã tận dụng triệt để vào việc học tập và hoạt động của hơn 740 HS với 23 lớp học. Đến nay, trường đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, cấp độ cao nhất.

Đáng nói, đây có lẽ là trường công lập duy nhất của TP đưa việc rèn luyện kỹ năng và tham gia các hoạt xã hội, phục vụ cộng đồng làm tiêu chí để đánh giá, khen thưởng HS. Những em nào học giỏi đơn thuần chỉ được giấy khen, còn phần thưởng phải dành cho những em nào vừa học giỏi vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội.

TS Phát cho hay mỗi năm trường tổ chức 6-7 hoạt động xã hội như bán cơm từ thiện 2.000 đồng, sống và làm cùng nông dân, rèn luyện kỹ năng.... Như thế, mỗi HS phải tham gia ít nhất 3-4 hoạt động trong một năm. Đội ngũ giáo viên cũng được bồi dưỡng, tập huấn theo từng hoạt động.

“Không chỉ khen thưởng, hết lớp 9 các em sẽ được nhà trường cấp giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội và rèn luyện kỹ năng. Giấy sẽ được in bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt và đóng dấu trang trọng kèm với học bạ” - TS Phát nói.

Mẫu giấy chứng nhận sẽ được nhà trường trao một lần cho HS vào cuối lớp 9 

Đây cũng là trường học đầu tiên của TP.HCM đăng ký với Bộ GD&ĐT và Hội đồng Anh để hướng đến danh hiệu Trường học Hợp tác quốc tế tích cực (ISA) từ năm học 2014-2015. Hiện nhà trường đang trong quá trình thực hiện tám đề án để đầu năm 2016 hoàn tất để được công nhận. Đây là danh hiệu với hệ thống tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Anh để công nhận các trường đạt thành tích xuất sắc trong việc đào tạo công dân toàn cầu. Đến nay, toàn thế giới đã có hơn 10.000 trường học tham gia và hơn 4.000 trường đạt danh hiệu ISA. Tại Việt Nam, hiện đã có 12 trường THCS đã đạt danh hiệu này.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm